Những ngày đầu tiên của năm 2020, xuất khẩu (XK) cà phê Việt tiếp tục đối mặt không ít khó khăn khi giá xuống thấp. Dự kiến, trong ngắn hạn giá cà phê khó khởi sắc, và việc đầu tư mạnh cho chế biến sâu, xây dựng thương hiệu vẫn là "con tính" căn cơ cho ngành hàng này.
Giá tuột dốc, dân bỏ cà phê
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Năm 2019, XK cà phê đạt 1,59 triệu tấn, giá trị 2,75 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và giảm tới 22,4% về giá trị so với năm 2018. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Bước sang những ngày đầu của năm 2020, ngành hàng cà phê tiếp tục đón nhận thông tin không mấy khả quan. Giữa tháng 1/2020, giá cà phê Robusta và Arabica giao kỳ hạn ghi nhận giảm so với tuần đầu tháng 1/2020. Cụ thể: Trên sàn giao dịch London, ngày 18/1/2020, cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 1,4% so với ngày 10/1/2020 và giảm 6,9% so với ngày 18/12/2019, xuống mức 1.319 USD/tấn. Tương tự, trên sàn giao dịch New York, ngày 18/1/2020, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 2/2020 giảm 4,4% so với ngày 10/1/2020 và giảm 16,1% so với ngày 18/12/2019, xuống còn 112,15 Uscent/lb. Tại cảng TP HCM, cà phê Robusta XK loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.399 USD/ tấn, giảm 2,4% so với ngày 10/1/2020 và giảm 5,8% so với ngày 18/12/2019. Giá cà phê giảm do nguồn cung dồi dào, giao dịch diễn ra trầm lắng.
Là người nhiều năm gắn bó với cây cà phê, ông Siu Tớih (Đăk Đoa-Gia Lai) cho biết: Hiện nay, giá cà phê xuống quá thấp, chỉ còn khoảng một nửa so với 2 năm trước. Tiền thu hoạch từ cà phê không đủ bù chi phí tưới nước, bón phân. Nếu giá vẫn tiếp tục giảm, ông sẽ chặt bỏ vườn cà phê để trồng cây khác. "Tôi đã chia đều toàn bộ diện tích cà phê cho 5 người con, chỉ giữ lại khoảng 150 gốc cà phê. Hiện nay, cả 5 người con của tôi cùng và nhiều người dân tại Đăk Đoa đều đang muốn chuyển từ trồng cà phê sang loại cây khác. Tuy nhiên, vấn đề là người dân đều rơi vào tình trạng thiếu vốn, thiếu thông tin, loay hoay chưa biết trồng cây gì. Một số loại cây hướng đến là dứa, chanh leo, bí đỏ…", ông Siu Tớih nói.
Chế biến sâu, nâng chất lượng
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn do biến động giá cả, bất cân đối cung - cầu. Giá cà phê giảm sâu khiến nông dân trồng cà phê gặp khó khăn và có xu hướng giảm diện tích trồng, giảm đầu tư cho cây cà phê. "Tuy nhiên phải khẳng định rằng, dù giá cà phê nhân thô giảm mạnh nhưng giá cà phê rang xay và cà phê thành phẩm ở các nước phát triển vẫn tăng đáng kể", ông Tuấn nói.
Đứng từ góc độ DN XK, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex cho biết: Thời quan qua, để khắc phục khó khăn, các DN cà phê Việt Nam đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho chế biến sâu, đặc biệt là cà phê hoà tan, qua đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng về vấn đề giá cà phê, ông Nam nhấn mạnh: "Trước mắt hiệp hội và DN thu mua, XK cà phê Việt Nam cần phát huy vai trò điều phối thị trường, giúp nông dân cải thiện giá bán. Với việc nắm giữ 60% sản lượng cà phê Robusta toàn thế giới, nếu các nhà XK Việt Nam giữ hàng, làm giảm nguồn cung thế giới thì sẽ có tác động tích cực đến giá cà phê. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp nhịp nhàng của cả cơ quan quản lý, hiệp hội, DN và cả người trồng cà phê".
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), định hướng hiện nay là xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, chất lượng; hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch XK 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt. Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương khẳng định sẽ chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ, phát triển thị trường đối với mặt hàng cà phê như đàm phán mở cửa thị trường, kết nối thúc đẩy tiêu thụ, xúc tiến thương mại và thông tin thị trường,... Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp thông tin về thị trường (nhu cầu, chủng loại, quy cách, mẫu mã, cung cầu, giá cả, các chính sách quản lý XNK và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...) đối với mặt hàng cà phê để cung cấp thông tin cho Bộ NN&PTNT, các địa phương, DN và người dân nhằm phối hợp tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm hợp lý, tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
"Bộ Công Thương đã và đang chú trọng tới các hoạt động xúc tiến thương mại tại một số thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng tăng trưởng như Trung Quốc, Liên bang Nga, ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Bắc Phi, Nam Phi, Trung Đông... để nâng dần sản lượng cà phê chế biến XK, từng bước tạo dựng nền tảng vững chắc cho các thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam trên thị trường thế giới", đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Thanh Nguyễn