Nghi thức cà phê Ả Rập được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Suốt nhiều thế kỷ, cà phê là yếu tố quan trọng trong văn hóa Ả Rập, đại diện cho lòng hiếu khách, sự hào phóng và hòa bình.

Nghi thức cà phê – bổn phận hiếu khách thiêng liêng

Người Ả Rập cổ đại phần lớn sống du mục. Họ di chuyển khắp nơi trên sa mạc hoang vu. Thường xuyên đối mặt với hiểm nguy nên người Ả Rập buộc phải sống tương trợ lẫn nhau. Khi đến vùng đất khác, sự an toàn của họ phụ thuộc vào lòng hiếu khách của người bản địa.

Lòng hiếu khách liên đới đến sự tồn tại của người Ả Rập, do đó đón tiếp khách được coi là bổn phận thiêng liêng trong lối sống và đức tin cộng đồng Ả Rập. Cùng với đó, một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của người Ả Rập là tôn trọng danh dự. Danh dự vừa là phương thức điều chỉnh quan hệ xã hội vừa là cơ sở của các nghi thức xã hội. Lòng hiếu khách là biểu hiện sự tôn trọng danh dự của của một cá nhân, gia đình hoặc bộ lạc.

Theo truyền thống Ả Rập, thực hiện nghi thức cà phê là chuẩn mực văn hóa quan trọng nhất trong nghi lễ tiếp đón khách. Cà phê (Qahwah) được phục vụ trong không gian Majlis – nơi đặc biệt để trao đổi kiến thức và thảo luận chuyện gia đình, cộng đồng. Người trưởng thành trong gia đình sẽ chọn hạt, rang, xay và nấu cà phê trước mặt khách. Các loại thảo dược như bạch đậu khấu, nhục đậu khấu, quế, đinh hương, nghệ tây, gừng hoặc thảo quả khô được nấu chung với cà phê. Những phụ gia này tạo ra biến thiên hương vị và màu sắc cho tách cà phê, đây là đặc trưng khác biệt của văn hóa cà phê Ả Rập so với phần còn lại của thế giới.

Bộ công cụ thưởng thức cà phê gồm bình dallah chạm trổ hoa văn. Những tách cà phê nhỏ bằng sứ gọi là finjan. Người chủ nhà cầm dallah bằng tay trái, cầm tách cà phê mời khách bằng tay phải. Lượng cà phê rót không vượt quá một phần tư tách, được gọi là “sự khiêm tốn”. Trong khi mời khách, người phục vụ cầu nguyện “Xin đấng Allah ngự trên anh ta cùng cha và con trai của anh ta, bảo vệ họ an toàn”. Cà phê được mời tất cả những người có mặt tại Majlis. Bất kỳ sự thiếu sót nào cũng là dấu hiệu không tôn trọng, điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của khách và chủ nhà.

Thông thường, vị khách được mời ba cốc cà phê. Tách thứ nhất đại diện cho hòa bình được gọi là al-dhaif. Cốc thứ hai thiết lập tình bạn, còn gọi là al-kaif. Cốc thứ ba tượng trưng cho lòng trung thành và sự bảo vệ, gọi là al-saif. Sau khi thưởng thức, người khách bày tỏ sự hài lòng và cảm ơn bằng cách lắc tách cà phê. Như vậy, có một sự ngầm hiểu rằng họ đã xây dựng một mối quan hệ tốt.

Lòng hiếu khách đóng vai trò quan yếu trong sự hình thành nền văn minh Ả Rập. Tiếp giáp giữa ba châu lục Á – Phi – Âu, bán đảo Ả Rập có nhiều tuyến đường thương mại quốc tế đi qua, nổi tiếng nhất là con đường tơ lụa và con đường hương liệu. Ban đầu, người Ả Rập chỉ là những nô dịch, thồ hàng thuê. Bằng sự hiếu khách đặc biệt, họ nhanh chóng kết nối và giao lưu với các dân tộc từ những nền văn minh lớn cả phương Đông lẫn phương Tây. Họ học hỏi kinh nghiệm của người khác, sử dụng trí tuệ và sự sáng tạo để đưa ra ý tưởng mới. Cuối cùng họ đạt được thời kỳ phát triển vượt trội, dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực ứng dụng khoa học.

Cà phê và tầm nhìn thay đổi Dubai

Trong cuốn “Tầm Nhìn Thay Đổi Quốc Gia” – một trong 100 cuốn sách quý thuộc “Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời” do Nhà sáng lập – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn nhằm khuyến khích việc học hỏi, tiếp thu và ứng dụng tinh hoa tri thức nhân loại, giúp mỗi cá nhân rút ngắn con đường đi đến thành công và hạnh phúc đích thực – Quốc vương Dubai, Mohammed bin Rashid Al Maktoum cho rằng: Con đường ngắn nhất tiến đến tương lai tươi sáng mà Dubai đang tìm kiếm nằm ở phương pháp tiếp cận sáng tạo và tiên phong. Trong những nỗ lực thực hiện tầm nhìn Dubai, các di sản Ả Rập mà trong đó có văn hóa cà phê tồn tại trong hàng ngàn năm đã, đang là nhân tố trực tiếp tác động sâu vào tất cả các lĩnh vực sáng tạo, tập hợp và phát huy mọi giá trị nguồn lực góp phần vào sự phát triển bền vững của Tiểu vương quốc Dubai.

Ngày nay, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là nơi bảo tồn và thực hành nghi thức cà phê Ả Rập như một phần bản sắc văn hóa. Trong đó, Dubai là trung tâm văn hóa cà phê của UAE và cả Trung Đông.

Nhỏ bé về địa lý nhưng có di sản văn hóa Ả Rập khổng lồ. Chính phủ Dubai đã khởi động mô hình phát triển kinh tế dựa trên các giá trị văn hóa, nâng tầm Dubai lên vị thế “Thành phố toàn cầu”. Một trong những chiến lược trọng tâm của Dubai là tạo ra hệ sinh thái “vườn ươm sáng tạo” thông qua việc phát triển các chương trình hội thảo đào tạo, truyền cảm hứng, thúc đẩy giao tiếp và sáng tạo. Đồng thời tôn vinh bản sắc văn hóa thành phố, cung cấp những trải nghiệm đặc biệt làm cầu nối các nền văn hóa khác nhau, theo cách đó góp phần thu hút nhân tài quốc tế đến làm việc và sáng tạo tại Dubai…

Hàng quán cà phê vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược thúc đẩy văn hóa sáng tạo. Trung bình mỗi tháng, có gần 100 quán cà phê mở mới ở Dubai. Làm việc tại quán cà phê được lựa chọn như giải pháp kết nối nhân lực hiệu quả và thăng hoa sáng tạo. Một mạng lưới hàng quán cà phê được thiết kế như không gian làm việc chung (Co-working Space). Không chỉ các công ty khởi nghiệp, những người làm việc tự do mà nhiều tập đoàn lớn cũng khuyến khích nhân viên dành thời gian làm việc tại quán cà phê để gặp gỡ chuyên gia ở mọi lĩnh vực và ở nhiều quốc gia khác nhau. Các không gian A4Space Café, The Cribb, The Bureau, Make Art Café, Nook Café… đang được xem là nơi chốn thúc đẩy cộng đồng sáng tạo và đổi mới.

Loại hình “Café tri thức” là không gian độc đáo để tiếp cận tri thức. Những quán cà phê nổi tiếng: Downtown Café, Book Mansion Café, BookMunch Café, Kuttab Café, Circle Cafe Dubai… được xây dựng như thư viện sách đa quốc gia, tập hợp những tác phẩm kinh điển của thế giới từ văn học đến khoa học cho mọi độ tuổi. Những quán cà phê này cung cấp nền tảng kiến thức và gắn kết giới sáng tạo bằng nhiều hội thảo tương tác.

Dubai còn phát triển loại hình không gian cà phê trong trong thời đại công nghệ là “quán cà phê tri thức ảo” nhằm kết nối các chuyên gia, doanh nhân, các cơ quan nghiên cứu, các tài năng trên toàn cầu thông qua môi trường trực tuyến. “Quán cà phê tri thức ảo” cũng bao gồm các hoạt động thảo luận nhóm, các khóa đào tạo và hội thảo online để tối ưu hóa việc chia sẻ dữ liệu, thông tin và kinh nghiệm. “Quán cà phê tri thức ảo” mở rộng phạm vi kết nối, vượt qua mọi khoảng cách về địa lý, tạo cơ hội cho mọi người tham gia những cuộc trò chuyện theo chủ đề họ quan tâm, trao cho họ cơ hội phát triển các ý tưởng của mình.

Dubai đạt tốc độ phát triển thần kỳ, trở thành trung tâm kinh tế thế giới với các trung tâm tài chính, công nghệ thông tin, du lịch, bất động sản đồ sộ. Dubai thu hút lượng lớn những người có óc sáng tạo, có trình độ cao trên toàn cầu đến làm việc. Những tài nhân này đang dẫn dắt, điều phối nền kinh tế Dubai phát triển mạnh về tri thức và ý tưởng khác biệt.

Mặc dù có sự chuyển dịch từ các Majlis truyền thống sang các không gian hàng quán cà phê hiện đại nhưng lãnh đạo Dubai luôn nhấn mạnh văn hóa là linh hồn của sự phát triển kinh tế. Majlis vẫn là nơi kết nối đặc biệt giữa các nhóm cộng đồng. Trẻ em được giáo dục nghi thức cà phê. Chính phủ thành lập Trung tâm cà phê lớn nhất Trung Đông nhằm kết nối các thị trường cà phê có ảnh hưởng nhất thế giới. Bảo tàng Cà phê Dubai xây dựng trong khu phố cổ Al Fahidi. Ngày hội văn hóa, lễ hội cà phê… được tổ chức thường niên chính là để nhắc nhớ và tôn vinh di sản cà phê Ả Rập.