Giá cà phê toàn cầu tăng do nhu cầu mua vào tăng. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá khó có thể duy trì lâu do tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang và dư thừa nguồn cung.
Giữa tháng 7, giá cà phê tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 6. Ngày 20/7, giá cà phê trong nước tăng cao nhất 5,9% tại huyện Đắc Hà tỉnh Kon Tum, lên mức 32.500 đồng/kg.
Mức tăng thấp nhất là 4,8% tại huyện Eo H’leo và Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk, lên mức 32.500 đồng/ kg. Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, cà phê robusta loại R1 tăng 4,9%, lên mức 34.100 đồng/kg.
Trong 10 ngày giữa tháng 7, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng so với ngày 10/7. Trên sàn giao dịch London, ngày 20/7 giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 9/2020 và tháng 11/2020 tăng 8% và 7,4% so với ngày 10/7, lên mức 1.293 USD/tấn và 1.305 USD/tấn.
Giá cà phê toàn cầu tăng do nhu cầu mua vào tăng. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá khó có thể duy trì lâu do tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, tình hình địa chính trị bất ổn và nguồn cung cà phê đang trong trạng thái dư thừa.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê niên vụ 2020/21 của Brazil dự báo được mùa, đạt 69 triệu bao; tồn kho cao do sức tiêu thụ giảm.
Dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê trực tiếp tại các chuỗi quán, nhà hàng khách sạn và du lịch giảm khi tỷ lệ người thất nghiệp tăng cao, thu nhập người tiêu dùng giảm.
Brazil đã thu hoạch khoảng 60% vụ mùa cà phê mới, chậm hơn so với niên vụ 2019/20 do dịch COVID-19.
Trong khi cây cà phê vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”. Điều này sẽ còn gây sức ép bán ra trong quý III/2020 do Brazil là nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới và thường bán theo phương thức giao sau.