USDA dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong năm 2020 - 2021 giảm 3,5% xuống 30,2 triệu bao do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ước tính xuất khẩu trong năm 2019 - 2020 giảm xuống còn 23,5 triệu bao do sự cạnh tranh từ thị trường nước ngoài.

Sản xuất

Vụ thu hoạch cà phê năm 2019 - 2020 của Việt Nam bắt đầu vào tháng 10/2019 và kết thúc vào tháng 1 năm nay. USDA đã điều chỉnh sản lượng năm nay xuống còn 31,3 triệu bao, thấp hơn báo cáo trước đó nhưng cao hơn 3% so với năm trước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích tái trồng và trồng xen ở Tây Nguyên trong 5 năm qua đạt 118.000 ha, chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, cao hơn so với kế hoạch ban đầu là 120.000 ha.

Từ nay đến năm 2025, Bộ NN & PTNT có kế hoạch mở rộng diện tích này thêm 30.000 - 40.000 ha để thay thế cây cũ và cải thiện năng suất. Diện tích và sản lượng giảm ở Đắk Lắk - tỉnh trồng cà phê lớn nhất - được bù đắp bởi sự cải thiện ở các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông. 

Chính sách của Bộ NN & PTNT là duy trì canh tác cà phê ở Tây Nguyên ổn định ở mức xấp xỉ 600.000 ha và chuyển sang các loại cây trồng khác, nơi điều kiện không thuận lợi cho canh tác cà phê. 

Do đó, nông dân trồng cà phê ở một số vùng đã chuyển sang trồng cây ăn quả có lợi nhuận cao hơn như sầu riêng, bơ, xoài. Ngày trước, hạt tiêu được coi là cây ưu chuộng để thay thế khi giá cà phê giảm nhưng giá hạt tiêu không ổn định và gần đây giảm xuống mức thấp trong 5 năm.

Dự báo sản lượng trong năm 2020 - 2021 giảm xuống còn 30,2 triệu bao do điều kiện thời tiết không thuận lợi có thể ảnh hưởng đến sản lượng. Theo Cục Khí tượng Thủy văn, trong 5 tháng đầu năm 2020, nhiệt độ tại Tây Nguyên cao hơn mức trung bình 0,5 - 1,5 độ C, trong khi lượng mưa thấp hơn trung bình 15 - 30%. 

Ủy ban sông Mê Kông cũng dự báo tình trạng hạn hán cực đoan tại Tây Nguyên từ giữa tháng 3 đến tháng 5, ghi nhận lượng mưa tương đối thấp. Thời tiết từ tháng 2 đến tháng 5 thường khô hạn và cà phê cần tưới tiêu để đảm bảo tỉ lệ ra hoa và đậu quả. 

Tuy nhiên, giá thấp, đặc biệt là trong những tháng gần đây, khiến người dân không mạnh tay trong chi tiêu cho việc tưới tiêu, có khả năng làm giảm sản lượng cà phê trong năm 2020 - 2021. Tuy nhiên, lượng mưa có thể cải thiện trong nửa cuối năm, làm tăng năng suất.

Sản lượng cà phê robusta

Như đã đề cập ở trên, sự thu hẹp trong trong diện tích trồng ở tỉnh Đắk Lắk đã được bù đắp bằng việc mở rộng ở các tỉnh khác, bao gồm Lâm Đồng và Đắk Nông, dẫn đến việc mở rộng vùng canh tác cà phê robusta trong năm 2019 - 2020 và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 - 2021. 

Mặc dù diện tích canh tác ở mức ổn định, dự báo sản lượng vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi, dẫn đến sản lượng trong năm 2020 - 2021 giảm xuống mức 29,2 triệu bao.

Sản xuất cà phê arabica

Sản lượng cà phê arabica chiếm 3 - 4% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, chủ yếu được trồng ở độ cao trên 1.000 mét ở vùng dân tộc thiểu số. Do đó, khả năng tiếp cận thấp, việc vận chuyển, lưu kho và chế biến gặp khó khăn, mở rộng canh tác vẫn còn hạn chế ở các khu vực này. 

Cùng với điều kiện thời tiết không thuận lợi, dự báo sản lượng cà phê arabica trong năm 2020 - 2021 thấp hơn 1 triệu bao so với năm trước.

Tiêu thụ

Dự báo tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 10% tổng sản lượng cà phê. Báo cáo của USDA đã sửa đổi ước tính tiêu thụ nội địa trong năm 2019 - 2020 lên tới 3,1 triệu bao, cao hơn con số trước đó. 

Sự gia tăng trong số lượng cửa hàng cà phê và nhà cung cấp trong nước và quốc tế là động lực chính cho sự tăng trưởng bền vững đối với tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, cà phê hòa tan đã dần trở nên phổ biến do sự tiện lợi của nó, chiếm phần lớn tiêu dùng nội địa.

Đại dịch COVID-19 đã có tác động đáng kể đến toàn bộ ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam trong hai tháng qua. Chỉ thị 16 của Chính phủ đã ra lệnh chính sách giãn cách xã hội toàn quốc khiến nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa và một số lượng lớn các doanh nghiệp chuyển sang đặt và giao hàng trực tuyến.

COVID-19 cũng có tác động đáng kể đến mô hình mua sắm của người tiêu dùng. Trong thời kì giãn cách xã hội, người tiêu dùng đã chuyển từ tiêu dùng ngoài hộ gia đình sang tiêu dùng tại nhà. 

Mặc dù sự gia tăng của tiêu dùng tại nhà không bù đắp hoàn toàn tiêu dùng ngoài hộ gia đình, nó đã mang lại lợi thế cho các sản phẩm đóng gói, chẳng hạn như cà phê xay và cà phê hòa tan. 

Một số doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống phải đối mặt với việc giảm qui mô kinh doanh hoặc đóng cửa, những doanh nghiệp còn lại mở cửa sản xuất theo từng giai đoạn. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã đề xuất giảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 từ 6,8% xuống 4,5 - 5,4% do COVID-19, điều này phản ánh các hành vi tiết kiệm chi phí của người tiêu dùng, chẳng hạn như lựa chọn thay thế cà phê chất lượng cao bằng các sản phẩm rẻ hơn.