10 năm mới gặp lại, niềm đam mê cà phê và những ý tưởng táo bạo của Đặng Lê Nguyên Vũ không những không mai một đi mà ngày càng khao khát và bùng cháy dữ dội hơn.

Cứ nói đến cà phê là Vũ như bị “lên đồng”. Từ ý tưởng tạo lập thương hiệu Việt, Vũ đã quyết tâm xây dựng nhà máy chế biến cà phê với công nghệ hiện đại nhất thế giới ngay tại thủ phủ cà phê.

Rồi để quảng bá hương vị cà phê, văn hóa cà phê và ý tưởng táo bạo về một “thủ phủ cà phê”, “thánh địa” cà phê, Vũ đã biến một khu đất rộng 1,8ha thành làng cà phê Trung Nguyên như là một hình mẫu thu nhỏ để từ đó khẳng định và nâng cấp xây dựng một “thành phố cà phê” độc nhất vô nhị thế giới.

Độc đáo làng cà phê Trung Nguyên

Một người bạn biết tôi sắp lên phố núi đã bả “Đến Buôn Ma Thuột mà không vào làng cà phê Trung Nguyên thì cũng coi như chưa đi”. Để xem có gì “ghê gớm” ở cái làng này mà bạn tôi “dọa nạt” dữ vậy nên vừa đặt chân tới Buôn Ma Thuột tôi đã lên taxi đến ngay làng cà phê Trung Nguyên. Đó là một không gian văn hóa thuần Việt, là nơi hội tụ kiến trúc Việt.

Thực khách đến đây không chỉ được thưởng thức hương vị độc đáo của các chủng loại cà phê đặc sắc mà còn được ngắm cảnh hùng vĩ của Tây Nguyên, tìm hiểu kiến trúc Việt, văn hóa Tây Nguyên cũng như “thế giới” cà phê. “Làng” nằm ngay trung tâm TP, là một quần thể gồm nhiều ngôi nhà mang phong cách kiến trúc cổ Hội An thế kỷ XVIII và những ngôi nhà sàn dài của người Ê Đê.

Đến làng cà phê Trung Nguyên, người thưởng lãm không chỉ gạt bỏ được không gian náo nhiệt bên ngoài mà còn được trải nghiệm những nét tinh hoa độc đáo của văn hóa Tây Nguyên, của quy trình sản xuất, chế biến và pha chế cà phê theo nhiều phong cách khác nhau, được hòa nhập vào không gian sáng tạo… và khám phá những câu chuyện huyền thoại về cà phê và con đường chinh phục thế giới của loại thức uống khiến hàng tỷ người trên thế giới phải trở thành tín đồ này. Chả thế mà trong một lần đến đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã phải thốt lên: “Đây thực sự là một bảo tàng về nông nghiệp và nông thôn Tây Nguyên…”.

Nhìn những hiện vật được trưng bày trong “làng”, đủ hiểu Vũ yêu Tây Nguyên đến nhường nào. Mặc dù không phải là người sưu tầm đồ cổ nhưng trong “làng” cà phê này có cả trăm cái trống da voi, chiêng, ché cổ… đủ thấy chủ nhân của nó “say” mảnh đất nhiều nắng, nhiều gió này như thế nào.

Không những thế, ở đây Vũ còn cho trồng ba giống cà phê truyền thống của Buôn Ma Thuột là cà phê vối, cà phê chè và cà phê mít. Làng cà phê Trung Nguyên sẽ là điểm khởi phát để Cty Trung Nguyên từng bước thực hiện ý tưởng dự án thủ phủ cà phê toàn cầu mà Chủ tịch HĐQT Đặng Lê Nguyên Vũ đã ấp ủ trong nhiều năm qua và đang dày công nghiên cứu, triển khai để sớm biến giấc mơ thành hiện thực.

Thành phố cà phê – Điểm hẹn của đại đồng cà phê toàn cầu

Cùng với việc Buôn Ma Thuột được nâng cấp lên đô thị loại I, Cty Trung Nguyên cũng đang ráo riết chuẩn bị các khâu cuối cùng để có thể khởi công xây dựng dự án TP cà phê ngay trong năm đặc biệt này.

Mục tiêu của dự án là sẽ xây dựng một mô hình đô thị địa ốc xanh, trong đó những nguyên lý sinh thái sẽ được ứng dụng nhằm bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, củng cố cộng đồng mà vẫn đem lại lợi nhuận bền vững. Không chỉ là một dự án phát triển phức hợp, là điểm nhấn về bản sắc văn hóa cho TP Buôn Ma Thuột mà đây còn là điểm hẹn du lịch nhằm thu hút khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những người đam mê cà phê trên thế giới. Đây cũng là một KĐT hiện đại và mẫu mực với những cụm nhà biệt thự và liên kế được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn giữ được sắc thái bản địa của văn hóa kiến trúc Tây Nguyên, một khu dân cư có môi trường cảnh quan hài hòa với thiên nhiên và mang đặc trưng cây cà phê của các châu lục trên thế giới.

Theo lý giải của Đặng Lê Nguyên Vũ thì, TP này sẽ có tất cả những gì liên quan đến cây cà phê. Ở đây sẽ có một bảo tàng cà phê thế giới nhằm thu thập tất cả những thông tin, vật liệu hay di chỉ liên quan đến cà phê trong lịch sử nhân loại. Bảo tàng này cũng sẽ lưu trữ vật dụng hay những tiến bộ kỹ thuật liên quan đến việc chế biến cà phê. Bên cạnh đó, dự án còn có một quảng trường để tổ chức lễ hội cà phê và giao lưu văn hóa cà phê, một công viên với chủ đề là cây cà phê với những vườn cà phê của từng châu lục, những cây cà phê quý hiếm khắp trên thế giới sẽ được thu thập về.

Trong công viên còn có những cụm nhà với bản sắc văn hóa và kiến trúc bản địa từ các cộng đồng trên thế giới. Ở đây có thể trưng bày những vật dụng và hàng hóa của các cộng đồng cà phê từ khắp thế giới, du khách và những người đam mê cà phê có thể thưởng thức cà phê đặc thù của các cộng đồng này trong một không gian đầy bản sắc văn hóa đặc trưng. Trung tâm Hội nghị cà phê có sức chứa 500 người, cứ 2 năm một lần lại mở cửa đón các quan khách đến tham dự hội nghị cà phê toàn cầu. Dự án còn có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao với tên gọi “khách sạn nhà Rông”. Khách sạn này sẽ được thiết kế theo kiến trúc nhà Rông, đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên kết hợp với kiến trúc hiện đại và được xây dựng theo phương pháp “xây dựng xanh”.

Một khu nghỉ dưỡng và Spa cao cấp với những biệt thự sang trọng dành cho khách VIP và những cụm láng giềng sáng tạo với các loại nhà và biệt thự được thiết kế theo những nguyên lý sinh thái và bền vững với bản sắc kiến trúc bản địa rõ rệt nhằm khuyến khích sự chung sống hòa mực, tương tác và sáng tạo. Khu dân cư này gồm những loại nhà và cấp bậc khác nhau, trong đó có đủ 3 loại nhà dành cho người thu nhập thấp, trung bình và cao cấp.

Chỉ mới sơ lược một vài hạng mục trong dự án rộng gần 50ha này đã thấy được quy mô hoành tráng và sự táo bạo của chủ đầu tư trong việc tạo dựng điểm nhấn cho TP thủ phủ của Tây Nguyên. Ấy vậy nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết, đó chỉ là một phần và là mô hình thu nhỏ của ý tưởng “Thánh địa cà phê toàn cầu” mà Trung Nguyên ấp ủ. Theo Vũ, nếu năm 1975, Bộ chính trị đã chọn Buôn Ma Thuột làm điểm mở màn chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh thống nhất đất nước thì nay cũng nên chọn Buôn Ma Thuột làm hình mẫu để phát triển kinh tế vùng, bởi đây là TP có vị trí, địa lý và nguồn lực đủ để tạo ra nét riêng khác hẳn với tất cả các đô thị khác trong và ngoài nước.

Chỉ một khi có được những nét riêng mới tạo được sự đột phá và làm nên thương hiệu. “Thánh địa cà phê” mà khởi đầu là dự án “TP cà phê” này phải là một chuỗi từ đầu đến cuối mẫu mực về nông nghiệp, từ việc trồng trọt đến cuộc sống sinh hoạt và phân bổ lại nguồn lợi để làm sao bản sắc của cộng đồng dân tộc phải được phát triển một cách cao nhất, có sự đột phá về kinh tế nhưng vẫn cân bằng được về mặt xã hội. Tính đặc thù của không gian cà phê phải được thể hiện rõ thông qua quy hoạch và thiết kế. Muốn vậy phải tuân thủ tuyệt đối địa hình cảnh quan, tân tạo kiến trúc Tây Nguyên trên cơ sở mô hình kiến trúc bản địa truyền thống, lựa chọn vật liệu phù hợp. Theo quy hoạch, đây sẽ là một TP mẫu mực của nền kinh tế xanh đang được hình thành trên thế giới.

Xây dựng dự án này, Đặng Lê Nguyên Vũ muốn ghi tên Buôn Ma Thuột lên bản đồ thế giới, thông qua đó chuyển tải thông điệp: Việt Nam là một đất nước phát triển bền vững và sáng tạo. Nếu những ý tưởng về TP này trở thành hiện thực, Buôn Ma Thuột sẽ trở thành một trong những kỳ quan của thế giới.