"Học tập chăm chỉ là lẽ đương nhiên của con người, chứ đâu đến mức phải khen ngợi. Bởi lẽ, lý do sinh tồn của con người chắc chắn ở tầm cao hơn nhiều" - Fukuzawa Yukichi.
Bí mật thứ tư
THỰC HỌC
Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ nói: "Một dân tộc vĩ đại là dân tộc biết tôn thờ và thượng tôn tri thức". Vì lẽ đó, Đặng Lê Nguyên Vũ đã khởi xướng Hành trình Từ Trái Tim trao tặng tủ sách nền tảng đổi đời cho 30 triệu thanh niên Việt Nam trong suốt 10 năm qua và hành trình sẽ tiếp tục tiến rất xa về tương lai, để thực hiện khát vọng vĩ đại: đưa Việt Nam trở thành "dân tộc dẫn dắt".
Muốn vậy, không chỉ cần có ý chí vĩ đại mà cần có phương pháp đúng.
Cổ nhân có câu: "Không có phương pháp thì người tài cũng lỗi, có phương pháp thì người bình thường cũng làm được việc phi thường".
Và chính Hành trình Từ Trái Tim đang mang đến một phương pháp cực kỳ thiết thực, và đó sẽ là "vũ khí sắc bén" cho người Việt trẻ: tri-thức-thực-học (chúng tôi nhấn mạnh, để phân biệt với tri thức kiểu tầm-chương-trích-cú, học-để-thi) với 100 đầu sách trong đó có 5 cuốn nền tảng đổi đời (Khuyến học, Nghĩ giàu làm giàu, Đắc nhân tâm, Quốc gia khởi nghiệp, Không bao giờ là thất bại - Tất cả là thử thách) và 95 cuốn khác là kiến thức thuộc 12 lĩnh vực giúp cho thực nghiệp như triết học, kinh tế học, tâm lý học...
GS Võ Tòng Xuân khi trả lời chúng tôi, cũng nhấn mạnh rằng, tri thức (thực học - pv) là nền tảng quan trọng quyết định đất nước đó đứng ở tầm cao nào trên thế giới. Tuy nhiên, thanh niên ta hiện nay lại "chỉ biết học cho đủ để đi thi, sau khi thi thì hầu như quên hết. Vì đầu óc không chứa khoa học công nghệ cho nên chúng ta không nghĩ ra ý tưởng, đề tài hữu ích, nên có rất nhiều thời gian rảnh để tụ tập bạn bè, ăn nhậu và để cho thời gian trôi qua uổng phí với lối sống hưởng thụ".
Theo GS Võ Tòng Xuân, sự thiếu hụt kiến thức thực học này một phần lớn là vì nền giáo dục "học-cho-các-kỳ-thi" chứ không phải học để chuẩn bị thành những nhà sáng chế. Người Việt vốn rất thông minh, không thua kém ai hết, xin học bổng qua Singapore đều rất thành công, qua Mỹ học cũng giỏi hơn người ta. Nhưng với môi trường giáo dục không khai phóng, bị ràng buộc bởi quá nhiều quy chế, trong khi nội dung kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp lại quá hời hợt, chậm thay đổi như hiện nay thì khả năng ấy khó có thể phát huy.
Trước đó nữa, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nói rằng: "12 năm học phổ thông cộng thêm 4-5 năm đại học cũng chưa chắc giúp được mọi người sau khi ra trường đáp ứng được nhu cầu công việc. Mặt khác, xã hội vẫn còn rất nhiều vấn đề về đạo đức, kể cả trong số những người học hành tử tế".
Và thật thú vị là cách đây gần 150 năm, nhà tư tưởng vĩ đại của nước Nhật, Fukuzawa Yukichi đã nói rất kỹ đến vấn đề THỰC HỌC trong cuốn sách để đời của ông: Khuyến học.
Thời đó, rất nhiều người Nhật có tư tưởng học để làm quan, học theo kiểu tầm chương trích cú rồi đi ẩn dật lánh đời hoặc kiếm một công việc làng nhàng sống qua ngày, không chú trọng thực học và xã hội đầy rẫy thói hư, tật xấu, kể cả trong giới tri thức, nhiều chữ nghĩa.
Hơn một nửa nội dung cuốn Khuyến học, Fukuzawa Yukichi tập trung nói rất nhiều về mục đích, ý nghĩa của thực học và kêu gọi người dân nhìn nhận sâu xa vào bản chất của học vấn.
Và như vậy, có thể thấy những tư tưởng vượt thời đại của ông đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị, là những điều mà những nhà tri thức có sức ảnh hưởng lớn tại Việt Nam hiện nay như GS Võ Tòng Xuân, bà Phạm Chi Lan... sau gần 150 vẫn còn nhắc lại, còn Đặng Lê Nguyên Vũ đã hiện thực hóa tư tưởng minh triết đó bằng Hành trình Từ Trái Tim!
Ở những bài trước, chúng ta đã nói đến 3 điều cần có đầu tiên trong kho BÍ MẬT CỦA NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN - thứ đã giúp đất nước này vươn mình trở nên hùng cường như ngày nay, đó là: độc lập trong tinh thần, tầm nhìn xa trông rộng (đọc chi tiết) và tinh thần cầu học để cống hiến cho nước (đọc chi tiết). Và ở bài này, chúng ta sẽ tiếp tục bàn đến bí mật thứ tư được Fukuzawa Yukichi nhắc đến: SỰ THỰC HỌC.
Muốn cống hiến, cách chuẩn bị tốt nhất là phải chú trọng vào thực học
Fukuzawa Yukichi phân tích, để trở thành người dẫn đường chỉ lối, đưa tinh thần của mọi người trong xã hội lên tầm cao hơn, để dạy cho mọi người những điều hay trong học vấn thì hơn hết thảy mọi việc khác là con người phải cố gắng phấn đấu trong sự nghiệp học tập. Bởi theo Yukichi, sự cống hiến quý giá nhất góp vào nền văn minh là tri thức, là sự vận dụng kiến thức vào công cuộc phát triển xã hội toàn diện cả về tinh thần lẫn vật chất. Nói cách khác, con người sau khi đã có đời sống độc lập toàn diện, muốn hướng tới sự cống hiến cho xã hội thì phải có tri thức thông qua thực học.
Trong Khuyến học, hơn 1 lần, Yukichi bàn đến câu hỏi, học vấn là gì? Có nhiều học giả cho rằng, học vấn là điều gì rất cao xa, thâm thúy. Yukichi quan niệm rất đơn giản, học vấn là việc tiếp thu tri thức có ích trực tiếp cho cuộc sống. Bất kể sự học nào không gắn với thực tế đều có nguy cơ dẫn đến cảnh tán gia bại sản.
Chẳng hạn, theo ông, học Toán để biết cách cân, đong, đo, đếm, học Vật lý giúp phân biệt tính chất mọi vật trong tự nhiên, qua đó tìm ra tác dụng của nó, học Sử để nghiên cứu quá khứ và hiện tại của các quốc gia, học Kinh tế để giải đáp mọi câu hỏi liên quan đến vấn đề chi tiêu trong gia đình cũng như nền tài chính quốc gia, học Địa lý để biết phong thổ của đất nước và các quốc gia khác, học Đạo đức để hiểu về hành vi của bản thân, biết cách ứng xử, giao tiếp và sinh hoạt giữa mọi người.
Trong khi bàn về mục đích của học vấn, Yukichi cho rằng, kiếm kế sinh nhai cũng là học vấn, lập sổ sách thu chi trong buôn bán cũng là học vấn, nắm bắt thời cơ là học vấn... Sự học tuy rộng nhưng giản dị. Người học Tài chính, học Kế toán... nhưng lại không biết cách hạch toán sổ sách, không biết quản lý tài chính của chính mình và gia đình thì sự học đó dù có thế nào cũng chỉ là vô dụng.
Là một nhà giáo dục khai phóng, Yukichi đề cao tính tinh giản, chú trọng vào thực chất và tính ứng dụng. Ông cho rằng, đúng là sự học muốn thành công phải lắng nghe ý kiến người xung quanh, phải đào sâu suy nghĩ, phải đọc nhiều. Nhưng sự học không nên quá cồng kềnh theo kiểu bụng nhét bồ chữ, học thuộc luận ngữ nhưng lại không thể luận ngữ (biết ăn nói, hiểu lời lẽ, ngôn từ).
Lấy dẫn chứng, Yukichi kể chuyện rằng xưa có chàng thư sinh lặn lội lên tận Edo cả mấy năm trời, quyết chí theo học thuyết Chu Tử. Anh ta nỗ lực, miệt mài ngày đêm sao chép kinh sách. Số lượng sách vở sao chép lên tới hàng trăm cuốn. Tự nhủ học thế là thành tài rồi, chàng thư sinh bèn trở về quê. Anh ta về theo đường bộ. Sách vở gởi hết xuống tàu thủy. Chẳng may, con tàu chở hàng gặp nạn chìm ngoài khơi tỉnh Shizouka.
Vì chỉ có sao chép chữ vào vở nên bản thân anh ta thì về tới quê, còn chữ thì theo tàu chìm xuống sông xuống biển. Thế là bao nhiêu chữ thầy trả lại thầy. Công lao học hành thành công cốc.
Nhiều học sinh Việt Nam thời nay cũng như vậy. Sự học gói gọn hết trong những cuốn sách và các kỳ thi, cho nên rời xa trường học là chứ thầy trả thầy, thậm chí, nếu thu hết sách giáo khoa, vở chép thì có lẽ học vấn cũng đánh rơi trên sông biển như anh chàng thư sinh nọ.
Bàn về học vấn, Yukichi kịch liệt lên án việc học theo kiểu tầm chương trích cú, học hành chỉ bám theo sách vở và không hề có ý nghĩa thực tiễn. Ông chỉ ra: "Những người ấy chỉ là “cái tủ kiến thức” suông. Đối với chính miếng cơm của bản thân, đối với lợi ích của đất nước, đối với nền kinh tế của quốc gia, họ hoàn toàn vô dụng, họ chỉ là hạng người “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”.
Sự thể hiện của nền chính trị phụ thuộc vào thực học của người dân
Không có học vấn, con người ngay cả cái thiện, cái ác không phân biệt nổi, chỉ biết chạy theo dục vọng, làm những việc xấu xa, đồi bại để thỏa mãn cá nhân mình.
Yukichi nhận định, với người ngu dốt, vô học, dù có đem đạo lý ra giảng giải cũng vô ích, chỉ còn cách buộc phải làm là dùng sức mạnh để răn đe. Và nếu xã hội chỉ toàn những con người như vậy thì sẽ sinh ra các chính phủ chuyên chế, độc tài. Có thể nói, nền chính trị hà khắc không chỉ là tội do một bạo chúa hay những kẻ nắm quyền lực gây ra, mà còn là lỗi ở chính người dân, do vô học nên mới dẫn tới thảm họa cho chính mình.
Fukuzawa nhận định: "Dân ngu thì tự chuốc lấy bạo tàn".
"Đâm thuê chém mướn, giết người cướp của, kéo bè kéo cánh tụ họp nổi loạn, chà đạp lên mọi pháp luật…, không một vụ việc nào trong số những hiện tượng trên đây lại được coi là hành động của con người cả. Vậy mà chúng đang là hình ảnh hiện thời của xã hội Minh Trị chúng ta. Trong xã hội toàn là "giặc dân" như thế này dẫu có với tới Đức Phật hay Khổng Tử thì hai ngài có lẽ cũng đành phải bó tay. Để cai trị chắc phải dùng tới chế độ chính trị tàn bạo chuyên chế. Nhưng tôi tin rằng không người dân nào lại muốn được cai trị bằng chế độ chính trị hà khắc cả", Yukichi viết.
Cho nên để thoát khỏi nền chính trị bạo tàn, để xây dựng một xã hội bác ái, văn minh, mỗi người dân phải có trách nhiệm mài dũa tài năng và nhân cách, phải có thực lực để đứng vững trên địa vị và tư cách bình đẳng, để đấu tranh với những sai trái của chính quyền.
Đây cũng chính là mục đích sâu xa của học vấn trên con đường xây dựng đất nước hùng cường.
Con đường dẫn tới thực học và khái niệm mới về sự vô học
Theo Yukichi, bản chất thực sự của học vấn là phải động não suy nghĩ, chứ không phải chỉ là đọc sách một cách đơn thuần. Thực học chú trọng vào khả năng ứng dụng. Có học vấn mà không ứng dụng được vào cuộc sống thực tế thì chẳng khác gì vô học.
Muốn sự học được ứng dụng thì phải quan sát, suy đoán đạo lý của sự vật. Phải đưa ra chính kiến, cách nghĩ cách làm của bản thân mình. Ngoài ra đương nhiên là còn phải đọc sách, viết sách, nói lên ý kiến của mình để tranh luận. Biết vận dụng tổng hợp các biện pháp như vậy thì mới được gọi là nghiên cứu học vấn.
"Quan sát sự vật, suy luận, đọc sách là cách để tích lũy tri thức.
Bàn bạc, tranh luận là cách để trao đổi tri thức.
Viết, diễn thuyết là cách để mở rộng tri thức". Đây là 3 con đường dẫn tới tri thức mà Yukichi đề cập trong cuốn Khuyến học.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, con đường của học vấn được nối dài bằng hành động. Yukichi tin rằng, tri thức con người hơn nhau không ở chỗ phong phú, nghe nhiều biết rộng mà là sự ứng dụng thành công kiến thức học được vào việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của mình, biến kiến thức chung thành tri thức của riêng mình.
"Tiếng là nhà nghiên cứu và giảng dạy môn đạo đức học, nhưng lại không giữ nổi phẩm hạnh của bản thân. Mâu thuẫn giữa lý luận và cuộc sống thực tế ở họ giống như có hai người khác nhau trong một con người vậy. Tôi không thể nào coi họ là những người có kiến thức", Yukichi viết. "Kiến thức, phẩm hạnh của con người không thể trở nên thanh cao nếu chỉ có nói toàn lý luận cao xa, hoặc chỉ có nghe nhiều, biết rộng, mà không có hành động gì cả".
Để có thực học, con người còn phải gạt bỏ thái độ tự mãn. Ví dụ, có một sinh viên chăm chỉ, miệt mài học hành. Anh ta không rượu chè, không chơi bời bê tha. Anh ta tự giác học tập và tỏ ra rất hãnh diện. "Nhưng sự tự đắc đó chẳng qua chỉ là so sánh với những sinh viên lười nhác thôi. Học tập chăm chỉ là lẽ đương nhiên của con người, chứ đâu đến mức phải khen ngợi. Bởi lẽ, lý do sinh tồn của con người chắc chắn ở tầm cao hơn nhiều".
Con người luôn luôn nhắm tới hình mẫu của những người thành đạt hàng đầu. Cứ nhìn thấy sở trường của người khác hơn bản thân là bứt rứt. Thế hệ sau bao giờ cũng muốn học tập vượt hẳn thế hệ trước. Cho nên sự học vốn mênh mông như biển, người học sinh, sinh viên phải nhận thấy không bao giờ được "tốt nghiệp" và phải học suốt đời. Có như thế, con người mới không bị tụt hậu.
Tiêu chuẩn để đánh giá trường học
Từ cách đây 150 năm, Yukichi đã hướng tới nền giáo dục khai phóng. Đối tượng để ông so sánh với nền giáo dục trong nước là các trường hàng đầu trên thế giới, luôn nhìn vào đó để thấy cái hay, cái dở của mình, của họ.
Ông quan niệm, vấn đề giáo dục cũng giống như tình trạng của một quốc gia. Giả dụ, thành viên chính phủ toàn là những người có đầu óc sáng suốt. Họ ngày đêm suy nghĩ về nỗi đau khổ và niềm hạnh phúc của dân chúng. Họ luôn đưa ra các chính sách kịp thời. Việc nào đáng khen thì khen ngay, việc nào cần phạt thì phạt ngay. Chính phủ thực thi một nền chính trị sáng suốt và đáng khâm phục. Dân chúng no ấm, xã hội ổn định, đất nước thanh bình.
Đạt được thành quả trên, đáng tự hào lắm chứ! Tuy vậy, mọi vấn đề như đường lối của chính phủ, cuộc sống của người dân, xã hội ổn định và thanh bình… tất cả mới chỉ là nội tình quốc gia. Và đường lối chính trị đang thực thi cũng chỉ là đường lối chính trị do một hay một nhóm các chính trị gia của quốc gia đó hoạch định. Cho dù đó là nền chính trị vì dân thật đáng tự hào, là nền chính trị hơn hẳn so với quá khứ, hơn hẳn so với nền chính trị độc tài ở một số quốc gia khác, nhưng nó vẫn hoàn toàn không có triển vọng trong tương lai.
Nếu có tầm nhìn tổng thể trên bình diện quốc tế, có sự so sánh đối chiếu với các quốc gia văn minh khác, nếu suy tính đến lợi ích cũng như thiệt hại giữa hai quốc gia trong tương lai, thì nền chính trị trên đây có đáng để tự hào hay không vẫn chưa thể khẳng định được.
Cho nên thước đo của sự học, tiêu chuẩn của trường học phải nhìn rộng ra trên tổng thể thế giới. Nếu sự học tuy là thực học nhưng vẫn chỉ loanh quanh trong nước, không đáp ứng được nhu cầu thời đại mới của thế giới thì sự học ấy vẫn không có nhiều ý nghĩa trong việc củng cố độc lập, nâng tầm quốc gia.
Các trường học gọi là tốt ở trong nước nhưng không cập nhật được kiến thức liên quan đến bình diện quốc tế, còn quá yếu kém so với các trường tốt nhất trên thế giới thì nền giáo dục quốc gia đó hẳn vẫn còn nhiều thứ phải cải tổ.
Nhìn ra thế giới, tiếp thu tinh hoa nhân loại chính là quan điểm chủ đạo của Yukichi trong cuốn Khuyến học. Tuy nhiên, làm thế nào để gạn lọc được tinh hoa, tìm được cái hay để học trong bối cảnh văn hóa, văn minh các nước Đông - Tây đổ xô hỗn tạp vào đất nước. Điều này sẽ được chúng tôi lý giải trong bài viết tiếp theo liên quan đến tinh thần dung hòa.