Hàng quán cà phê ở Anh từ khi xuất hiện đã định hình là không gian hoạt động mang tính hàn lâm và kinh tế, nơi thống lĩnh những luận lý tư duy của Tây Âu.
Quán cà phê – Trường đại học một hào
Cà phê du nhập vào Tây Âu từ thế kỷ 17 cùng lúc với thời kỳ khai sáng (Age of Enlightenment). Anh là một trong những quốc gia đầu tiên được tiếp cận năng lượng sáng tạo, tỉnh thức của loại thức uống đặc biệt này. Tuy nhiên, nếu như ở Paris (Pháp), Viên (Áo)… quán cà phê tọa lạc tại các đại lộ trung tâm thì ở Anh, hàng quán cà phê lại hình thành trên những trục đường có phần khuất bóng, gần các trường đại học London, Oxford, Edinbourg…
Sự khác biệt ấy diễn ra hoàn toàn hợp lý khi đặt trong diễn trình lịch sử của thời kỳ này. Vào thế kỷ 17-18, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan… có thuộc địa là các quốc gia trồng cà phê, còn vương quốc Anh lại là quốc mẫu giàu có nhờ các thuộc địa trồng trà. Bằng sự toan tính thực dụng, giới quý tộc, Hoàng gia Anh đã chọn trà là thức uống mang đến niềm tự hào cho “vương quốc trà” nhằm thúc đẩy tiêu thụ loại thức uống này. Ngược lại, nếu cà phê trở thành một loại thức uống phổ quát như các quốc gia Tây Âu khác thì đồng nghĩa với việc vương quốc Anh phải mua sản phẩm của thế lực cạnh tranh. Việc này không được giới quý tộc Hoàng gia ủng hộ. Chính vì vậy hàng quán cà phê ở Anh đành ẩn mình quanh cách trường đại học.
Không được giới vương giả coi trọng, tuy nhiên hình thức hoạt động của quán cà phê lại cung cấp một không gian lý tưởng cho việc học tập, nghiên cứu. Sinh viên, các học giả có chung chí hướng truy cầu tiến bộ tri thức dành hàng giờ ngồi tại quán cà phê để trao đổi một cách nghiêm túc về các vấn đề triết lý cuộc sống, thế sự nhân gian và những phát kiến có giá trị. Từ đây, hàng quán cà phê Anh được vinh danh là “Penny Universities” – Trường đại học một hào.
Tên gọi “Penny Universities” bắt nguồn từ giá mỗi ly cà phê và chỗ ngồi trong một buổi (sáng-chiều-tối) tại quán cà phê. Trái với phòng trà hay quán rượu, hàng quán cà phê là mảnh đất màu mỡ cho những hoạt động mang tính hàn lâm lẫn thực nghiệp trong nhiều lĩnh vực: khoa học, kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp… Nhiều minh chứng lịch sử cho thấy, tại những “đại học ẩn hình” ở Anh đã khởi xuất hàng loạt học thuyết hàn lâm trong nhiều lĩnh vực có ảnh hưởng tới sự phát triển của nhân loại.
Học thuyết của nhân loại và các tổ chức toàn cầu bắt đầu từ quán cà phê
Đầu tiên phải kể đến câu lạc bộ cà phê của Đại học Oxford. Trong không gian quán cà phê ở đây, cha đẻ của nền kinh tế học - Adam Smith hoài thai những tác phẩm kinh điển như: The Theory of Moral Sentiments (Lý thuyết về tình cảm đạo đức), The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia), Học thuyết về nền kinh tế tư bản… có giá trị ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế thị trường hiện đại cũng như các tư tưởng triết học đạo đức ngày nay.
Năm 1660, quán cà phê Tilliard’s là nơi thành lập Hội Hoàng Gia (Royal Society) quy tụ các nhà khoa học hàng đầu bấy giờ. Hội Hoàng Gia là tiền thân của viện Hàn lâm Khoa học Vương quốc Anh - học viện khoa học uy tín nhất thế giới, phát triển tới hơn 8.000 thành viên cho tới ngày nay, với các tên tuổi lớn như: Isaac Newton, Charles Darwin, Benjamin Franklin, Albert Einstein, Steven Hawking…
Trong khi đó, từ quán cà phê ở đại học Edinbourg, triết gia, nhà kinh tế học, nhà sử học David Hume đã viết nhiều tác phẩm có tầm ảnh hưởng tới ngành triết học hiện đại như: A Treatise of Human Nature (Tiểu luận về bản chất con người), An Enquiry Concerning Human Understanding (Một cuộc điều tra liên quan đến sự hiểu biết của con người), An Enquiry Concerning the Principles of Morals (Một cuộc điều tra liên quan đến các nguyên tắc đạo đức)…
Không chỉ là nơi khởi nguồn cho các học thuyết hàn lâm mà các “Trường đại học ẩn hình” ở Anh còn là nơi thành lập của các tập đoàn, tổ chức kinh tế và tài chính vang danh. Ở London, tập đoàn bảo hiểm Lloyd’s được thành lập tại quán cà phê Lloyds Coffee-house; sàn giao dịch chứng khoán Hoàng gia-Royal Exchange của Anh có gốc gác từ quán cà phê Jonathan’s; tổ chức chứng khoán hàng hải của London - London Shipping Exchange ra đời ở quán cà phê Baltic… Còn quán Will's Coffee House được gọi là “ngôi nhà văn học” khi trở thành nơi gặp gỡ, thảo luận của các tên tuổi lớn trong nền văn chương như: Jonathan Swift, Alexander Pope, Joseph Addison…
Có thể nói cà phê đã phát triển ở Anh quốc theo một diễn trình khác so với các quốc gia ở lục địa Tây Âu, nhưng nhờ vậy mà đã mở hướng cho cà phê góp phần vào khát vọng thời đại bởi những thành tựu khai sáng nhân văn trong các “Trường đại học một hào”.