Tôi cảm nhận Đặng Lê Nguyên Vũ là một người luôn có nhiều suy nghĩ, hoài bão về vấn đề phụng sự xã hội”.

Tính đến hiện tại, Hành trình Từ Trái Tim do Tập đoàn Trung Nguyên khởi xướng đã có 7 năm nỗ lực đưa hàng triệu cuốn sách đến tay người Việt trẻ. Trong suốt quá trình đó, chương trình đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ của rất nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội.

Một trong số những người đánh giá cao đóng góp, tính hiệu quả của Hành trình Từ Trái Tim là nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management – CIEM), TS Lê Đăng Doanh.

Ông từng là chuyên viên Văn phòng Chính phủ Việt Nam, thư ký kinh tế cho văn phòng của các nhà lãnh đạo Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh… Ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng CIEM từ năm 1993 và từng có thời gian làm Ủy viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2016-2018.

Mới đây, TS Lê Đăng Doanh đã dành cho PV buổi trò chuyện đầy thú vị về Hành trình Từ Trái Tim và câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ giữa thời cách mạng công nghiệp 4.0 và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Đánh giá cao trăn trở phụng sự xã hội của Tập đoàn Trung Nguyên

TS Lê Đăng Doanh

 

Phóng viên: Thưa TS Lê Đăng Doanh, sau hơn 30 năm Đổi mới, đất nước đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp ở khu vực tư nhân với doanh thu hàng nghìn tỷ, được chèo lái bởi những doanh nhân có tâm, có tầm, có tài. Trong số họ, không thể không nhắc đến Đặng Lê Nguyên Vũ, vậy cảm nhận của ông về Đặng Lê Nguyên Vũ thế nào?

TS Lê Đăng Doanh: Anh Đặng Lê Nguyên Vũ của Tập đoàn Trung Nguyên là người tôi rất cảm mến. Đối với lĩnh vực cafe, anh Vũ cùng Trung Nguyên đã đạt được những thành công đáng nể.

Tuy nhiên, tôi thấy anh Vũ không chỉ chuyên tâm vào kinh doanh, mà còn làm nhiều hoạt động xã hội khác. Tôi rất đồng cảm với sự trăn trở, khát vọng lớn của anh Vũ.

Những cuốn sách của Hành trình Từ Trái Tim được trao đến tận tay người Việt trẻ

 

Tôi từng gặp anh Vũ một số lần, khi anh ra Hà Nội và trong một số cuộc hội thảo, chúng tôi đã trao đổi một số vấn đề. Qua những lần như thế, tôi cảm nhận Đặng Lê Nguyên Vũ là một người luôn có nhiều suy nghĩ, hoài bão về vấn đề phụng sự xã hội.

Trên thực tế 7 năm qua, anh Vũ và Trung Nguyên cũng đã đóng góp rất nhiều cho đất nước thông qua Hành trình tặng sách.

Phóng viên: Gần đây truyền thông nhắc nhiều đến khái niệm “doanh nhân dân tộc”. Nhìn lại quá khứ, những doanh nhân như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô được vinh danh là doanh nhân dân tộc là nhờ những đóng góp lớn của họ cho xã hội. Ví như ông Trịnh Văn Bô đã hiến 5.000 lượng vàng cho cách cho cách mạng, ông Bạch Thái Bưởi không chỉ dành tiền làm từ thiện mà con luôn đề cao tinh thần dân tộc, sử dụng hầu hết người Việt trong công việc, đặt tên các con thuyền theo tên vĩ nhân, điển tích sử Việt, làm nên những thắng lợi quan trọng trên mặt trận thương trường trong bối cảnh bị doanh nghiệp Pháp tìm mọi cách đè bẹp?

Thời này – thời được gọi là cách mạng công nghệ 4.0 – trên quan điểm cá nhân của một chuyên gia kinh tế, ông định nghĩa thế nào là doanh nhân dân tộc?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi, trong thời đại mới này, doanh nhân dân tộc là những người xây dựng được thương hiệu của Việt Nam, đóng góp vào việc đưa thương hiệu, sản phẩm của đất nước ra thế giới. Đấy là những đóng góp rất lớn trong thời đại mới khiến tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao.

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, tôi rất mong các doanh nhân quan tâm nhiều hơn đến cách mạng công nghệ 4.0, việc vận dụng kinh tế, kết nối với các doanh nghiệp quốc tế và nâng giá trị gia tăng sản phẩm của Việt Nam lên bởi hiện nay, các sản phẩm xuất khẩu của nước ta tuy nhiều nhưng giá trị gia tăng vẫn còn thấp.

 

Về vấn đề phụng sự xã hội nói chung, và về anh Đặng Lê Nguyên Vũ nói riêng, tôi thấy anh Vũ rất kiên trì với việc tặng sách và đã đem tặng những cuốn sách quý, rất tốt đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Tôi rất cảm ơn anh Vũ bởi đấy là một sáng kiến mà tôi đánh giá cao, và cũng rất mong các doanh nghiệp khác cùng làm những việc tương tự như thế, để khuyến khích cộng đồng của chúng ta khởi nghiệp.

 

Xét về 5 cuốn sách gồm: Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu, Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách, Khuyến học, Quốc gia khởi nghiệp, có thể chúng chưa đáp ứng hết tiêu chí cập nhật diễn biến cách mạng công nghệ 4.0, kinh tế số hóa, vấn đề toàn cầu hóa đang gặp khủng hoảng… nhưng đó vẫn là những cuốn sách rất có giá trị.

Tôi nghĩ, ai muốn trở thành người làm việc nghiêm túc thì rất nên đọc những cuốn sách như vậy.

5 cuốn sách của Trung Nguyên đều rất phù hợp với những điều anh Vũ trăn trở, tức là muốn nói về mục tiêu của việc kinh doanh gắn liền với đóng góp, trách nhiệm xã hội. Tôi nghĩ định hướng của anh Vũ là như vậy. Xã hội có thể có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đó vẫn là những cuốn sách rất tốt cho người Việt.

Nếu ai cần những cuốn sách cập nhật, hiện đại hơn thì tôi nghĩ, họ có thể góp ý với anh Vũ, rất có thể anh sẽ lắng nghe và tặng những cuốn sách mới ấy.

TS Lê Đăng Doanh đánh giá cao những cuốn sách của Hành trình Từ Trái Tim

 

Cơ hội và thách thức của người trẻ muốn khởi nghiệp trong thời kỳ bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

Phóng viên: Như ông vừa đề cập đến việc tình hình thế giới và Việt Nam đang có nhiều thay đổi do tác động của cách mạng công nghệ 4.0, và gần đây nhất là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Vậy theo ông, khởi nghiệp trong gia đoạn này, thanh niên Việt sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như thế nào?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đem lại nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức mới với Việt Nam. Một số sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang bị đánh thuế mà Việt Nam có thể xuất khẩu thay thế thì tôi nghĩ nên tăng cường. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thách thức mới Việt Nam cũng rất lớn. Chiến tranh thương mại Mỹ Trung làm thay đổi những luật chơi về thương mại thế giới, làm cho những quy định của các tổ chức thương mại thế giới mà Việt Nam tham gia vào bị thách thức và thị trường tiền tệ bị xáo trộn. Trung Quốc đang hạ giá đồng nhân dân tệ và rất có thể, chiến tranh thương mại sẽ biến thành chiến tranh tiền tệ. Lúc bấy giờ, tình hình thế giới có thể sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần phải cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của các sản phẩm của Việt Nam để xuất khẩu ra thế giới, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

 

Hiện nay đang có làn sóng đầu tư nước ngoài tăng lên rất mạnh vào Việt Nam. Nhưng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp Việt Nam trong những sản phẩm mà họ xuất khẩu thì chưa tăng lên. Tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để tham gia với họ, tăng giá trị gia tăng bởi rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư cốt chỉ để lấy nhãn hiệu là sản xuất tại Việt Nam để tránh thuế khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, phần giá trị gia tăng của Việt Nam chưa được bao nhiêu, chúng ta chủ yếu vẫn là lắp ráp các sản phẩm nhập từ Trung Quốc.

Việt Nam hãy cố gắng tận dụng cơ hội này, nâng cao những công đoạn có thể sản xuất, cung ứng cho họ để tăng thêm giá trị gia tăng của chúng ta.

Về vấn đề khởi nghiệp trong giai đoạn này, trước hết, muốn khởi nghiệp đòi hỏi quyết tâm rất lớn bởi nó đánh dấu một bước chuyển có tính chiến lược trong cuộc đời một con người. Cho nên thanh niên Việt cần có quyết tâm, ý thức rất rõ về vấn đề cơ hội và thách thức.

Thứ hai, họ phải nâng cao tính chuyên nghiệp. Các doanh nhân của chúng ta hãy làm việc chuyên nghiệp, nghiên cứu thị trường xem thế nào, điều kiện kinh doanh, tiền vốn ở đâu, cách kinh doanh, huy động vốn ra làm sao. Tránh tình trạng chỉ sau vài lời nói bốc đồng đã rủ nhau mở doanh nghiệp thì những khởi nghiệp đó khó mà tồn tại được lâu dài.

Thị trường hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt, chúng ta đã hội nhập, hàng hóa ASEAN đã tràn vào đây cho nên bất cứ một sản phẩm nào tung ra trên thị trường đều vấp phải sự cạnh tranh quốc tế rất gay gắt.

Phóng viên: Trong thời đại mới, khái niệm về khởi nghiệp cũng đã và đang có nhiều thay đổi. Ông cho rằng, thanh niên Việt nên chuẩn bị điều gì và nếu có một cuốn sách truyền cảm hứng, động lực cho họ thì ông nghĩ đó sẽ là cuốn gì?

TS Lê Đăng Doanh: Về sách, tôi nghĩ tùy từng lĩnh vực mà mỗi người cần những cuốn khác nhau nên không tiện đưa ra lời khuyên chung.

Tuy nhiên, tôi nghĩ thanh niên Việt hiện nay rất hăng hái nhưng cần thêm tính chuyên nghiệp và nên có thêm quyết tâm thật cao.

Ngày trước khi chúng ta phải chiến đấu để giành độc lập tự do, chúng ta có quyết tâm rất cao, sẵn sàng hy sinh, chịu đựng gian khổ, sinh tử. Giờ đây, đi vào công cuộc kinh doanh này, cũng đòi hỏi quyết tâm rất lớn và cũng phải chuẩn bị tính chuyên nghiệp như tôi đã nói.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!