Thị trường cà phê quí II nổi bật với thông tin tình hình sản xuất cà phê của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thời tiết khô hạn tại khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp.
Thị trường cà phê quí II nổi bật với thông tin tình hình sản xuất cà phê của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thời tiết khô hạn tại khu vực Tây Nguyên - Nơi được xem là thủ phủ cà phê của cả nước.
Theo Cục Xuất nhập khẩu nguồn cung cà phê trong nước hạn chế là nguyên nhân khiến giá cà phê tại thị trường nội địa tăng kể từ đầu tháng 5. Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến sản lượng cà phê tại khu vực Tây Nguyên.
Do chịu tác động bởi tình hình khô hạn, Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho rằng sản lượng cà phê niên vụ 2020 - 2021 có thể giảm 15%.
Theo Bộ NN&PTNT, tại thị trường trong nước, giá cà phê trong tháng 6 biến động giảm cùng xu hướng thị trường thế giới. So với tháng 5, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 đồng/kg xuống mức 30.400 – 30.900 đồng/kg.
Giá cao nhất tại khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng. Tại cảng TP HCM, giá cà phê giao cũng đã giảm xuống và đang được bán với giá 32.000 đồng/kg.
Tính riêng trong quí II, giá cà phê tăng 700 – 900 đồng/kg. Theo đó, giá cà phê tỉnh Lâm Đồng và Kon Tum ghi nhận mức tăng 700 đồng/kg. Giá cà phê tỉnh Gia Lai tăng mạnh nhất 900 đồng/kg.
Ở thị trường thế giới, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy sản lượng và xuất khẩu cà phê thế giới trong năm 2020 - 2021 dự kiến sẽ đạt mức kỉ lục, chủ yếu là do Brazil bước vào năm sản xuất chính. Đồng thời USDA cũng sửa đổi ước tính cho năm 2019 - 2020 với sản lượng và xuất nhập khẩu đều giảm so với dự báo trước đó.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính chung quí II, giá cà phê robusta giao trong tháng 7 giảm 5,3% xuống 1.178 USD/tấn. Hợp đồng cà phê arabica giao tháng 7 trên sàn New York giảm mạnh 13% xuống 100 UScent/pound.
Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, giá cà phê trong nước có thể tăng lên do nguồn cung sụt giảm vì người nông dân không muốn bán hàng với giá quá thấp.
H.Mĩ