Trong năm 2020, Trung Nguyên chính thức đưa "thế giới cà phê" lên hai sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay là Amazon và Alibaba. Ngay trung tâm TP HCM, "Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ cũng vừa có cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee phiên bản mới, nhắm đến đối tượng nhượng quyền toàn cầu. Qua đó, "ông lớn" ngành cà phê Việt Nam cho thấy tham vọng lớn và bùng nổ hơn một khi covid-19 hoàn toàn đi qua. 

Cuối tháng 3, ông Đặng Lê Nguyên Vũ viết tâm thư gửi "5.000 người anh chị em" Trung Nguyên khẳng định đại dịch COVID-19 đang khiến tập đoàn rơi vào thời điểm cam go nhất chưa từng có trong lịch sử. Ông Vũ kêu gọi các thành viên cùng nhau vượt khó, để lèo lái "con thuyền" Trung Nguyên vượt "bão".

Ngay khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát và các biện pháp cách li xã hội được tháo dỡ, mới đây, Trung Nguyên đã ồ ạt ra mắt cùng lúc nhiều mô hình và cách thức hoạt động mới hậu COVID-19.

Đưa "thế giới cà phê" Trung Nguyên lên Amazon, Alibaba

Tập đoàn Trung Nguyên vừa chính thức đưa các sản phẩm cà phê lên hai sàn thương mại điện tử Amazon và Alibaba.

Sau gần 25 năm có mặt tại Việt Nam và sau đó tiếp cận nhiều thị trường lớn trên thế giới, đây là lần đầu tiên Trung Nguyên đưa các sản phẩm lên hai trang thương mại điện tử toàn cầu có lượng khách hàng và doanh thu cao nhất hiện nay.

Việc xúc tiến các sản phẩm lên hai sàn này được thực hiện ngay trong lúc dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, khiến tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, thương mại điện tử được xem là xu hướng nhiều triển vọng, mang lại hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo Trung Nguyên, để chính thức hợp tác với Amazon và Alibaba, tập đoàn đã mất nửa năm tìm hiểu. Hiện các sản phẩm của "Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ đã có mặt trên hai sàn thương mại điện tử này.

Với từ khóa tìm kiếm "Trung Nguyen" trên Amazon hay Alibaba, hiện đã cho kết quả là các sản phẩm của Trung Nguyên gồm các dòng cà phê truyền thống, cà phê hòa tan G7 lẫn thương hiệu mới nhất là Trung Nguyên Legend, với bộ nhận diện qua hai màu đen-trắng được Trung Nguyên xây dựng vài năm trở lại đây.

"Thế giới cà phê" là cách mà "Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ gọi các sản phẩm của tập đoàn đang được bày bán trên Amazon và Alibaba.

"Tại thế giới cà phê trên các sàn thương mại điện tử, những người yêu và đam mê cà phê trên thế giới có thể chọn mua tất cả sản phẩm cà phê năng lượng tuyệt hảo của Trung Nguyên Legend; tìm thấy những trang thiết bị, công cụ, dụng cụ pha chế cà phê hàng đầu; cũng như các gói sản phẩm tích hợp đa dạng phù hợp với không gian thưởng thức tại nhà, văn phòng, hàng quán…", đại diện Trung Nguyên cho biết.

Cùng thời điểm này, tại TP HCM, Trung Nguyên cũng công bố phiên bản hoàn toàn mới cho mô hình nhượng quyền E-Coffee.

Khác với mô hình bình dân Trung Nguyên E-Coffee có mặt hồi tháng 8/2019, phiên bản mới này được cho biết có nhiều điểm hiện đại hơn, phân khúc khách hàng cũng cao cấp hơn.

Cửa hàng phiên bản mới Trung Nguyên E-Coffee đầu tiên đặt tại một trung tâm mua sắm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) chú trọng vào tính trải nghiệm của khách hàng với thiết kế hiện đại,  tiệm cận với phong cách của Trung Nguyên Legend. 

Trung Nguyên cho rằng phiên bản mới này tập trung để khách trải nghiệm, mua sắm các sản phẩm của tập đoàn đang có trên thị trường, kể cả trang thiết bị, dụng cụ pha chế cà phê.

Thống kê mới nhất của Trung Nguyên cho thấy, chuỗi E-Coffee hiện nay đã vượt con số 1.000, trải dài tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và liên tục được mở rộng thời gian qua.

Tham vọng của "vua cà phê" hậu COVID-19

Với việc "lột xác" chuỗi nhượng quyền E-Coffee, Trung Nguyên không chỉ muốn sớm hoàn thành mục tiêu mở rộng chuỗi "thần tốc", mà tham vọng là tiếp cận được nhiều khách hàng trên toàn cầu, thực hiện mục tiêu định vị thương hiệu trên toàn cầu như cách ông Đặng Lê Nguyên Vũ thường nói.

Do đó, không phải ngẫu nhiên "vua cà phê" lại chọn một vị trí được xem là "đất vàng" tại Sài Gòn để đặt cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee phiên bản mới đầu tiên. 

Tiếp cận khách hàng toàn cầu cũng là lí do ông Đặng Lê Nguyên Vũ mở siêu thị cà phê trên Amazon và Alibaba. "Đây là một trong những nỗ lực của thương hiệu nhằm hiện thực hóa khát vọng chinh phục toàn cầu, trong bối cảnh toàn cầu hóa và thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng", Trung Nguyên khẳng định.

Còn nhớ cuối năm 2019, tại phiên tòa giải quyết li hôn với bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ông Vũ nói rằng Trung Nguyên phải mất khoảng 2 năm mới gượng dậy được, và phần việc tập trung sẽ là tái định vị trên toàn cầu. 

Thời điểm đó, "vua cà phê" cho biết tập đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, sản phẩm, mô hình hoạt động… để đưa cà phê Trung Nguyên ra thế giới. Và với những mục tiêu đang thực hiện ngay sau đại dịch COVID-19, có lẽ Trung Nguyên đang khẳng định câu chuyện vực dậy, tái định vị thương hiệu toàn cầu như cách ông Vũ chia sẻ.