Vì công việc, nửa năm tôi mới về lại Paris - nơi, như nhiều thành phố cổ văn minh trên thế giới, ít có thay đổi lớn. Trong chuyến đi mùa đông qua, tôi biết thêm một lý thú nho nhỏ, đó là quán cà phê tên Việt rặc, mà theo con gái tôi, anh chị chủ rất dễ thương.
Tìm đến quán ở đường Daval, quận 11, tôi nghĩ cô cậu chủ còn... gan nữa, khi dám bán cà phê Việt Nam giữa khu Bastille, vốn tấp nập hàng quán, cà phê cho giới trẻ.
Ngồi trên ghế đẩu dây đan, nhâm nhi mấy hạt hướng dương trong dĩa nhôm đặt trên ghế có ly cà phê sữa; nhìn bức tường vàng loang lổ chao nghiêng số điện thoại quảng cáo khoan cắt bêtông, đối diện bên kia hai nón xanh GrabBike, những chiếc ca, bình, bảng tin thời bao cấp...; tôi thốt tưởng đang ở một lề phố bình dân Hà Nội, nếu không có tiếng Tây xung quanh lao xao và áo măngtô đang mặc.
Uống xong cà phê, tôi đến chào ông chủ trẻ, ngạc nhiên là anh không hiểu tiếng Việt! Mai Phương, cô chủ, nói Tống Văn Phú là người Hoa, rằng trước khi mở Vỉa Hè Cà Phê, Phú đã có quán trà sữa trân châu ở Bastille. Họ quen nhau khi Phương đến Pháp đoàn tụ gia đình năm 2009, hiện cả hai có cô con gái nhỏ.
Theo Phương, tất cả ý tưởng mở cà phê Việt ở đây, kể cả bảng tên quán tự tin kèm số điện thoại Việt Nam, đều do Phú - người sinh trưởng bên Pháp, chưa từng đến Việt Nam, chưa từng uống cà phê - tự quyết.
Ngay lần đầu tiên theo Phương về Việt Nam chơi, Phú đã "phải lòng" quê bạn, đặc biệt phong cách cà phê đường phố. Ly cà phê đầu tiên Phú uống cũng ở Việt Nam, bởi chú Phương có quán cà phê.
Thích phong cách "độc, lạ" của cà phê vỉa hè Hà Nội, Phú muốn "bê" nguyên không khí đó sang xứ nổi danh sành điệu vị đắng này. Bắt đầu những chuyến đi con thoi tìm hiểu cà phê Việt Nam, học cách pha sao cho ngon từ ông chú, từ những lân la nhấm nháp...
Phương nói "nhiều người nghĩ bọn em điên khi mở quán cà phê Việt ở Paris, nhưng quá mê nên bọn em quyết định liều". Thời gian đầu, quán kéo được rất nhiều khách Việt sinh sống/học tập tại Pháp. Những chiều tan ca, cuối tuần, quán luôn tấp nập khách. Hết chỗ, mọi người kiên nhẫn đợi hoặc mua ly ra... vỉa hè đứng uống!
Sau khai trương, quán bớt khách Việt nhưng có thêm nhiều khách Pháp. "Những khách Tây đến đây đều thích hoặc muốn thử cà phê Việt". Tôi tin Phương khi thấy bao bố đựng cà phê có chữ "Vietnam" nằm "thả thính" trong góc sáng.
Tin bởi con tôi vẫn thường xuyên tới đây để nghe tên quán thân quen, nhấm nháp vị cà phê Hà Nội dù trong chiếc ly nhỏ, do "bên Pháp, người ta không uống cà phê cốc to". Hớp ngụm cà phê, nhìn phố Tây rộn ràng sau khung kính, tôi cảm động nhận ra ẩm thực Việt Nam đã ra thế giới từ những con người như cặp đôi này.
Hỏi về tương lai, Phương nói mong mở thêm chi nhánh ở Paris "để giới thiệu phong cách cà phê Việt cho nhiều người biết".
Kể về sự phổ biến của bánh mì thịt ở Mỹ, nhà văn Andrew Lâm, người theo gia đình di dân khi mới hơn mười tuổi, nói chính các món ăn đã kết nối ông và đông đảo kiều bào với cố hương.
"Vậy nên tôi hi vọng, nếu bánh mì vẫn là món ăn đường phố phổ biến tại Việt Nam ngày nay, chúng ta đừng quên rằng những người Việt sống tại hải ngoại đã có công làm nó trở nên nổi tiếng và tỏa sáng khắp thế giới". Chuyện bánh mì của Andrew Lâm cũng là chuyện của đôi Phương - Phú...