Hoover, đội trưởng đội cận vệ làm việc hơn 40 năm ờ Nhà Trắng, xúc động kể lại: "2 năm rồi, chúng tôi mới có lại một ngày hạnh phúc như thế..."

Bài học thứ ba

HẠ THẤP CÁI TÔI

Tổng thống Theodore Roosevelt (1858-1919) là tổng thống thứ 26 xuất sắc của Hoa Kỳ khi ông cùng lúc đảm nhận rất nhiều vai trò: nhà sử học, nhà tự nhiên học, nhà phát minh, tác giả, nhà thám hiểm và quân nhân. Trong sự nghiệp làm Tổng thống, Roosevelt nổi tiếng bởi tính cách của mình: đầy mạnh mẽ, có chút phóng khoáng của dân "cao bồi" và rất quảng giao. Ông là người đã thực hiện đàm phán, dẫn đến kết thúc cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905). Thành công này khiến ông trở thành người Mỹ đầu tiên nhận được giải thưởng Nobel Hòa Bình.

Có rất nhiều nguyên tắc ứng xử của Roosevelt được Dale Carnegie dẫn lại trong cuốn sách Đắc Nhân Tâm, nhưng có một tinh thần luôn nhất quán và xuyên suốt trong những nguyên tắc này là ông đã thực hiện được nghệ thuật mà nói theo cách đời thường là "hạ thấp Cái Tôi" của mình xuống - dù ông ở địa vị quyền lực cao nhất nước Mỹ. 

Còn nói theo cách các bậc thánh nhân trong nền minh triết Phương Đông thì điều đó được "gói" trong 2 câu: 

Đãi người rộng ba phần là phúc

Xử thế lùi một bước mới cao

Sau đây hãy cùng xem cách Theodore Roosevelt "hạ thấp Cái Tôi" biểu hiện như thế nào?

Thật lòng quan tâm đến người khác

Bí quyết khiến Tổng thống Theodore Roosevelt khiến ngay cả những người phục vụ cũng phải yêu mến ông chân thành chính là vì ông luôn quan tâm đến người khác theo cách: sâu sắc và rất thật lòng không vụ lợi.

Là Tổng thống Mỹ - người đứng trên đỉnh cao quyền lực nhưng Roosevelt luôn sẵn sàng quan tâm đến người làm thuê, phục vụ cho mình. Ông không chỉ để ý đến suy nghĩ, ý kiến, tâm trạng, cảm xúc của người khác mà còn luôn quan tâm đến cả nhu cầu vật chất, động cơ cũng như ước mơ của họ. 

James Amos, một người phục vụ của Roosevelt đã viết một quyển sách về ông với nhan đề "Theodore Roosevelt, thần tượng của những người phục vụ". Trong sách có đoạn: "Có lần vợ tôi hỏi Tổng thống con chim đa đa trông như thế nào, vì cô ấy chưa từng nhìn thấy. Lúc đó, Ngài mô tả cặn kẻ cho cô ấy. Lát sau, chúng tôi có điện thoại, đầu dây bên kia là Tổng thống. Ngài gọi và bảo vợ tôi rằng: Hiện có một con chim đa đa ngoài sân, cứ nhìn ra cửa sổ sẽ thấy ngay". 

Tính cách của Roosevelt là thế. Ông lúc nào cũng thân thiện, ân cần và quan tâm đến người khác không nhằm mục đích tư lợi. Bằng chứng là mỗi khi đi ngang qua căn phòng của nhân viên, dù không nhìn thấy vợ chồng James Amos ở đó, ông vẫn gọi to Annie hoặc James, hệt như lời chào hỏi với những người bạn với nhau. 

Chúng ta có thể nào không yêu mến những nhà lãnh đạo như thế? Làm sao bạn lại có thể không kính nể một nhân cách tuyệt vời như vậy - một người luôn quan tâm đến người khác từ những điều nhỏ nhất, bộc lộ ra ngoài đầy chân thành như một bản năng?

Sự quan tâm của Roosevelt thường được đón nhận bởi đi kèm với nó là tinh thần khiêm tốn, sẵn sàng quảng giao với tất cả tầng lớp xã hội. Sau khi mãn nhiệm, có lần ông được mời vào Nhà Trắng, khi Tổng thống Talf và phu nhân không có mặt ở đó, ông đến chào tất cả những nhân viên cũ bằng tên thân mật của họ. 

Khi ông gặp cô phụ bếp, Alice, ông hỏi: Alice có còn làm món bánh ngô hay không? Cô đáp - Cô vẫn làm nhưng bây giờ chỉ dành cho những người phục vụ. Ông nói ngay: "Oh! Sao họ lại không biết thưởng thức như vậy? Ta sẽ nói điều này với Tổng thống khi ông ấy quay về và vui vẻ nhận chiếc bánh ngô mà Alice tặng ông sau đó. Trên đường ra về, ông vẫy chào tất cả những người làm vườn mà ông gặp. Sự trân trọng ấy của Roosevelt với những người đã từng làm việc và phục vụ mình trước đây khiến ai nấy vô cùng xúc động. Và tất cả sự trân trọng này đều không nhằm để thể hiện trước mặt bạn mình là Tổng thống Talf và phu nhân.

Hoover, đội trưởng đội cận vệ làm việc hơn 40 năm ờ Nhà Trắng, xúc động kể lại: "2 năm rồi, chúng tôi mới có lại một ngày hạnh phúc như thế. Không tiền bạc nào có thể đánh đổi được những tình cảm như vậy".

Nguyên tắc của Rooselvet ở đây là: nếu chúng ta muốn có những người bạn thật sự thì hãy nghĩ và làm việc gì đó cho họ, dành cho họ thời gian, sức lực và sự quan tâm không vụ lợi. Nếu như bạn muốn kết bạn với người khác thì hãy chào họ một cách thật, sôi nổi và nhiệt tình. 

Biểu lộ sự quan tâm chân thành đối với người khác không những sẽ giúp bạn có thêm bạn bè mà còn có thể làm tăng lòng trung thành của người khác đối với bạn. Đây là một trong những thuật "đắc nhân tâm" giúp Rooselvet được yêu mến và đứng vững trên địa vị của mình.

Nói điều người khác quan tâm

Bất kỳ ai từng có dịp tiếp xúc Tổng thống Theodore Roosevelt cũng đều ngạc nhiên trước vốn kiến thức uyên bác của ông. Dù đó có là một cậu bé chăn bò Texas hay là một chính khách New York, một người huấn luyện ngựa hay là một nhà ngoại giao, Roosevelt đều biết cách làm cho câu chuyện trở nên cực kỳ thú vị và đây là bí quyết của ông.

Mỗi khi hẹn gặp ai, đêm hôm trước, ông thức rất khuya để tìm hiểu thật kỹ những vấn đề mà ông biết chắc chắn rằng người khách này sẽ quan tâm. Roosevelt cũng như tất cả các nhà lãnh đạo kiệt xuất trên thế giới đều biết rằng, con đường nhanh nhất dẫn đến trái tim một người là bàn luận về những điều mà người đó quan tâm nhất.

Dale Carnegie khẳng định: "Một lời nói bất cẩn, thiếu suy nghĩ có thể làm mất thiện cảm, gây ra bất hòa. Một lời độc ác có thể làm tổn thương một tâm hồn. Một lời đúng lúc có thể mang lại bình an. Một lời yêu thương có thể đem lại hạnh phúc thật sự. Và có những lời nói có thể cứu được một con người".

Vậy nên, nguyên tắc để gây thiện cảm trong tất cả mọi cuộc giao tiếp là hãy nói điều mà người khác quan tâm.

Tôn trọng ý kiến người khác

Khi Theodore Roosevelt còn đương chức Tổng thống Hoa Kỳ, ông thú nhận rằng khả năng quyết định đúng của ông cao nhất cũng chỉ ở mức 75%. Khả năng xét đoán của một trong những người lỗi lạc nhất thế kỷ 20 chỉ như thế, còn chúng ta thì sao?

Dale Carnegie cho rằng, nếu chúng ta dám chắc rằng mình quyết định đúng được 55% trong mọi vấn đề, chúng ta có thể đến Wall Street, trung tâm tài chính Mỹ và kiếm một triệu đô-la mỗi ngày. Nếu chúng ta có thu nhập ít hơn thế, có nghĩa là quyết định mà ta đưa ra chưa đúng đến 55%. Và vì ngay chính bạn cũng không đúng đến 55% thì không nên cho rằng người khác đã sai.

Tác giả cuốn Đắc Nhân Tâm chỉ ra, việc vạch trần lỗi lầm của người khác bằng lời nói, cái nhìn hay cử chỉ chính là một quả đấm nặng nề vào trí tuệ, khả năng phán đoán, niềm tự hào và lòng tự trọng của họ. Cách làm này không thể khiến người khác tôn trọng bạn và sẽ chỉ muốn chiến đấu để bảo vệ ý kiến của mình đến cùng. Cho dù lập luận của bạn có thuyết phục đến đâu, nó cũng không thể nào trở nên hợp lý đối với một con tim đang bị tổn thương.

Làm thay đổi ý kiến của người khác là rất khó, ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất, và lời khuyên cứng rắn không có kết quả sẽ trở thành nhát búa nảy ngược trở lại chúng ta. Thế thì tại sao chúng ta lại chọn con đường gay go như thế?

Nếu bạn muốn chứng minh một điều gì đó thì nên thực hiện một cách tế nhị, khéo léo để không ai cảm thấy nó. Hãy học cách tôn trọng ý kiến của người khác, như chính Theodore Roosevelt luôn tự nhận rằng, quyết định của mình không phải lúc nào cũng hoàn hảo.

Cách để nhận được sự hợp tác cao nhất: Hỏi ý kiến, khơi gợi sự cao thượng

Theodore Roosevelt khi còn làm Thống đốc bang New York đã ứng dụng nguyên tắc số 16 trong cuốn sách Đắc Nhân Tâm rất linh hoạt. Mỗi khi cần đề cử một chính trị gia vào một vị trí quan trọng trong chính quyền của ông, Roosevelt thường mời lãnh đạo của các đảng phái đối lập đến văn phòng để hỏi ý kiến. Ông cho phép họ đề cử một đảng viên kỳ cựu của họ để có thêm thế lực trong chính phủ. Thực ra trong đầu ông đã có ý chọn người nào rồi nhưng ông không tiết lộ. 

Khi họ đề cử không đúng người ấy, ông thường bác bỏ với lý do rằng dân chúng không ủng hộ chính trị gia đó, nếu đề cử là thất sách. Họ đưa ra một nhân vật khác. Ông cũng nhẹ nhàng tìm cách bác bỏ với các lý do thuyết phục. Cứ như thế cho đến khi đối thủ đề cử đúng người Roosevelt mong đợi. 

Lãnh đạo các đảng phái thì hoan hỉ và rất hài lòng vì được Thống đốc tôn trọng ý kiến. Và, điều quan trọng nhất là họ sẽ không hề có ý đồ chống đối người mà chính họ đã đề cử. Trong khi đó, họ không hề hay biết, sự đề cử của họ đã nằm trong tầm ngắm của Tổng thống.

Dale Carnegie đã chỉ ra một thuật "đắc nhân tâm" rất cơ bản, đó là mọi người đều thích làm theo ý mình chứ không ai muốn hành động theo lời người khác sai bảo. Ai cũng thích được hỏi về những mong muốn, nguyện vọng và suy nghĩ của họ. Cho nên Roosevelt đã rất tinh tế khi áp dụng nguyên tắc này để thu phục nhân tâm, nhất là từ những phe phái đối lập. Ông làm cho người khác có cảm giác rằng, chính họ mới là người đưa ra ý tưởng đầu tiên, mới là người có những đóng góp quan trọng.

Khi Theodore Roosevelt không muốn báo chí đăng hình ảnh các con của ông, ông cũng dùng đến những lý do cao quý để khơi gợi sự cao thượng trong họ. Ông nhắc đến một nguyên tắc ăn sâu trong mọi người chúng ta: không gây tổn hại đến trẻ con. 

Ông nói: “Các ông biết bọn trẻ như thế nào rồi. Một vài người trong các ông cũng có con cái. Và các ông cũng biết đăng ảnh bọn trẻ nhiều sẽ không tốt cho chúng”.

Không thể có một chìa khóa vạn năng đối với mọi loại ổ khóa, cũng không có một nguyên tắc nào có thể ứng dụng chung cho tất cả mọi người. Nếu các bạn đã hài lòng với những kết quả đạt được, thì tôi nghĩ rằng các bạn không nên thay đổi. Còn nếu như ngược lại, các bạn có thể thử nghiệm cách thức mới. Cũng chẳng mất gì cả.

Muốn làm được tất cả những điều trên, Roosevelt đã hạ cái tôi của mình xuống thấp hơn, không tranh giành lấy hư danh. Lùi lại để tiến xa hơn trên con đường chinh phục lòng người cũng là cách mà Lão Tử khi xưa đã khuyên nhủ học trò. 

Lão Tử nói: "Nước suối và mưa nguồn sở dĩ đều chảy về sông sâu biển lớn vì sông và biển dám chấp nhận ở vị trí thấp. Thánh nhân muốn thể hiện uy đức cao hơn người nên đặt mình dưới họ, muốn trí năng vượt trước thời đại thì phải ẩn mình ở phía sau. Vì vậy, dù vị thế thánh nhân ở trên thiên hạ cũng không ai tức tối, dù vượt trước thiên hạ cũng không ai oán hờn".

Trên đây là một số thuật "Đắc Nhân Tâm" được Tổng thống Theodore Roosevelt áp dụng nhuần nhuyễn và rất thành công được tác giả Dale Carnegie chọn lọc và phân tích trong cuốn sách của mình. Vẫn còn rất nhiều nguyên tắc ứng xử khác sẽ được chúng tôi tiếp tục phân tích trong các bài viết tiếp theo.