Dựa trên những phân tích, đánh giá của chuyên gia Nguyễn Quang Bình theo nguồn NCIF, năm 2019 là năm khó khăn nhất cho thị trường cà phê thế giới tính từ hơn chục năm trở lại đây. Và ông cho rằng, giá cà phê chỉ thăng hoa trong năm 2020 khi người mua không nhìn thấy được lượng hàng tồn nhiều hoặc do còn trong kho, hoặc treo hợp đồng trên sàn để chờ chốt bán với lượng lớn.
Thị trường trong nước và thế giới năm 2019
Ở thị trường trong nước, Ông Bình nhấn mạnh vào giá xuất khẩu tính trên mức chênh lệch với giá niêm yết sàn robusta (differential), nhưng giá nội địa vẫn thấp. Do London xuống sâu, giá xuất khẩu tính theo chênh lệch có thời kỳ đạt mức cao nhất tính từ khi Việt Nam xuất khẩu hạt cà phê đầu tiên ra thị trường thế giới.
Theo ông Bình, diễn biến giá xuất khẩu sẽ còn tiếp tục sôi động. Kinh nghiệm thị trường cho thấy khi giá London giảm sâu, khả năng giá xuất khẩu có mức chênh lệch “cộng tới”, và khi giá sàn này tăng cao, dễ về bình giá, thậm chí xuống mức “trừ lùi”.
Ước tính của Tổng cục Thống kê cho biết năm 2019 cả nước xuất khẩu đạt chừng 1,61 triệu tấn (tương đương 26,8 triệu bao), trị giá 2,785 tỉ USD, giảm 13,9% về lượng và giảm 21,2% về giá trị so với 2018. Như vậy, năm 2019, xuất khẩu cà phê Việt Nam bị tuột mốc 3 tỉ USD so với vài năm trở lại đây, ông Bình cho biết.
Theo nguồn này, giá cà phê nguyên liệu tại các vùng sản xuất vì thế cũng giảm, có lúc chỉ còn quanh 30 triệu đồng/tấn so với đầu năm chừng 34 - 35 triệu đồng/tấn và thời điểm cuối năm 33 triệu đồng/tấn.
Ở thị trường thế giới, ông Bình phân tích, trong 12 tháng qua, giá 2 sàn phái sinh cà phê đã có lúc giảm xuống mức sâu nhất từ hơn mười năm. Giá sàn robusta London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu – có lúc chạm dưới mức 1.200 USD/tấn. Sàn arabica New York cũng chạm dưới 90 US cent/lb, là đáy sâu nhất tính từ 2005.
Nhìn từ phía cung - cầu, 2019 cũng là năm thế giới được mùa cà phê. Sản lượng cà phê toàn cầu năm 2019 được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đánh giá đạt 174,6 triệu bao (loại 60 kg) hay gần 10,5 triệu tấn. Trong đó, Brazil đạt gần 60 triệu bao, Colombia 14, Việt Nam 30 và Indonesia chừng 10 triệu bao, chỉ 4 nước lớn chiếm gần 65% sản lượng cà phê thế giới.
Năm 2019, Brazil xuất khẩu cà phê đạt kỷ lục lịch sử với khoảng trên 41 triệu bao nhờ rơi vào năm được mùa của chu kỳ 2 năm một lần của cây cà phê arabica. Đồng nội tệ Brazil giảm đã khuyến khích nông dân Brazil bán ra mạnh. Sản lượng tăng trong 2019 là thành quả lớn của các chương trình tái canh cà phê đã và đang được các nước thực hiện.
Dự báo thị trường trong năm 2020
Cà phê là mặt hàng này rất nhạy cảm với thời tiết nhất là trong thời kỳ thời tiết cực đoan. Mặt khác, cà phê đang được trồng rải rác tại các quốc gia trong và cận vùng nhiệt đới nên cà phê được thu hoạch quanh năm. Do thị trường cà phê - từ các sàn phái sinh đến các thị trường xuất khẩu từng nước, hầu hết đều dựa trên đồng USD - nên càng nhạy cảm với các biến động của các yếu tố kinh tế vĩ mô thế giới và thị trường tài chính toàn cầu.
Do đó chuyên gia Nguyễn Quang Bình đã đưa ra một số yếu tố có thể đẩy giá tăng năm 2020 có lẽ chủ yếu không xuất phát từ cung - cầu. Nếu như các quỹ đầu tư tài chính được Fed bơm vốn dồi dào, đồng nội tệ Brazil quanh mức 4 Brl trở xuống ăn 1 USD. Nhưng yếu tố ảnh hưởng lớn nhất để giá cà phê 2 sàn có thể tăng chính là một đồng USD rẻ nhờ tác động của đình chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, các nền kinh tế sẽ được “xốc lên” lại nhờ các chương trình kích cầu của chính phủ các nước. Một yếu tố khác tác động giúp giá cà phê tăng, đó là nếu hai sàn cà phê được chọn làm nơi trú ẩn luồng vốn một khi các sàn chứng khoán hay hàng hóa thương phẩm khác bị bán tháo vì một lý do nào đó.
Ông Bình cho biết thêm, thời tiết cực đoan cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến giá cà phê. Chỉ cần một tin bất lợi như sương giá, hạn hán ở tại các nước sản xuất lớn như Brazil, Việt Nam, Colombia hay Indonesia, cũng có thể thay đổi hướng giá.
Tóm lại, bức tranh kinh tế vĩ mô nhìn chung đang tạo điều kiện tốt cho giá hàng hóa thương phẩm, trong đó có 2 sàn cà phê. Nếu thương chiến Mỹ - Trung Quốc hạ nhiệt, đó có thể là lúc các nước đưa ra những chương trình kích cầu, bơm tiền cho nền kinh tế, hạ lãi suất cơ bản…nhất là đồng USD có cơ hội rẻ hơn.
Nhưng đối với một nước sản xuất cà phê, cách mua bán hợp lý là yếu tố quan trọng nhất để tạo cơ hội cho giá đi lên như xoay vòng vốn nhanh, không tìm cách găm hàng để đầu cơ giá lên, giảm treo các hợp đồng bán (long differential) càng nhiều càng tốt.
Nguồn: VITIC