Trong cuốn sách “Nghĩ giàu, làm giàu” được “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ coi là sách gối đầu giường, tác giả Napoleon Hill rất đề cao vai trò của tự kỷ ám thị, coi đây là một trong những nguyên tắc vàng dẫn đến thành công.

Đặng Lê Nguyên Vũ

Theo Napoleon Hill, tự kỷ ám thị là thuật ngữ đề cập đến tất cả những hình thức tự kích thích và khuyến khích bản thân qua 5 giác quan của con người. Nói cách khác, tự kỷ ám thị là quá trình tự tâm niệm, tự khích lệ. Nó đóng vai trò cầu nối giữa một bên là phần ý thức tạo ra tư duy và một bên là phần tiềm thức tạo ra hành động.

Thông qua những suy nghĩ chi phối tâm trí bấy lâu vẫn tồn tại trong ý thức (không quan trọng đó là những suy nghĩ tích cực hay tiêu cực), những nguyên tắc của tự kỷ ám thị sẽ chạm đến tiềm thức con người và tác động đến tiềm thức bằng những suy nghĩ đó.

Tự kỷ ám thị là một cách thức giúp bạn gieo vào tiềm thức của mình những suy nghĩ mang tính sáng tạo hoặc bỏ mặc cho những suy nghĩ có tính chất phá hoại tìm thấy lối vào khu vườn màu mỡ đó của tâm hồn.

Điều kỳ diệu của tự kỷ ám thị

Một thực tế rõ ràng là bạn luôn có xu hướng tin vào bất kỳ điều gì bạn liên tục tự nhủ với bản thân, cho dù điều đó có đúng hay không. Nếu bạn liên tục tự lừa dối mình bằng một quan niệm sai lầm thì đến một lúc nào đó, bạn sẽ chấp nhận nó như một sự thật hiển nhiên. Bạn sẽ trở thành đúng như những gì bạn nghĩ bởi bạn đã để cho những suy nghĩ đó chi phối hoàn toàn tâm trí bạn.

Những cách nghĩ mà bạn cố tình gieo vào tâm trí mình, khích lệ nó, cho nó hòa trộn vào những cảm xúc của mình sẽ kết thành các động lực định hướng và kiểm soát mọi động thái, hành vi và việc làm của bạn.

 

Nhận định sau có thể được coi như một chân lý: Tư duy khi được hòa trộn với cảm xúc sẽ trở thành một thanh nam châm hút tất cả các ý tưởng tương tự hoặc có liên quan khác.

Một cách nghĩ được “hấp dẫn” bởi cảm xúc có thể coi như những hạt giống. Khi được gieo xuống những mảnh đất màu mỡ, nó sẽ nảy mầm, phát triển và sinh sôi nảy nở liên tục. Hạt giống ban đầu ấy tạo thêm hàng triệu triệu những hạt giống mới cùng loại.

Tâm trí con người liên tục nắm bắt những tần số rung động của những ý tưởng phù hợp với tư duy đang chi phối tâm trí bạn. Bất kỳ tư tưởng, ý niệm, kế hoạch hay mục tiêu nào trong tâm trí bạn cũng thu hút vô số những ý tưởng liên quan. Những ý tưởng liên quan đó sẽ tiếp sức cho ý niệm chính cho đến khi cách nghĩ đó phát triển thành động lực chi phối hoàn toàn tâm trí bạn.

Vậy làm thế nào để những hạt giống tư duy được gieo xuống mảnh đất tâm trí? Câu trả lời là các ý tưởng, kế hoạch hay mục tiêu sẽ được khắc sâu vào tâm trí bằng quá trình suy nghĩ liên tục được lặp đi lặp lại. Điều đó giải thích tại sao bạn nên viết ra những mục tiêu chính của mình, luôn tâm niệm về nó và đọc nó lên thành tiếng hàng ngày cho đến khi những tần số âm thanh đó chạm tới miền tiềm thức của bạn.

Bạn có thể trở thành người mà bạn mong muốn bởi bạn có quyền chọn lựa những ý nghĩ chi phối tâm trí mình. Nếu biết cách lựa chọn, bạn có thể vứt bỏ khỏi trí óc những ảnh hưởng tiêu cực trong quá khứ và xây dựng cuộc đời theo cách bạn muốn. Tự đánh giá những điểm mạnh và diểm yếu tinh thần của mình, bạn sẽ nhận thấy điểm yếu lớn nhất là sự thiếu tự tin.

Nhưng bạn có thể vượt qua điều đó, thậm chí biến nó thành lòng dũng cảm, thông qua các nguyên tắc tự kỷ ám thị. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc này bằng cách đơn giản như viết ra những ý tưởng chính, hồi tưởng, và lặp đi lặp lại cho đến khi chúng trở thành một phần của bộ máy tâm thức.

 

Tự kỷ ám thị có thể giúp “biến không thành có”

Nhiều nhân vật thành công hàng đầu thế giới cũng khẳng định sức mạnh của tự kỷ ám thị. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi bạn hình dung một hành động thì một phần tương tự của não bộ cũng phản ứng giống như khi bạn hành động thực sự.

Napoleon Hill đã chỉ ra một ví dụ điển hình minh họa cho việc một ý tưởng có thể tạo nên một gia tài là sự ra đời của Tập đoàn Thép Hoa Kỳ vào năm 1900.

Đầu tiên, Tập đoàn Thép Hoa Kỳ ra đời bắt nguồn từ ý tưởng được hình thành qua trí tưởng tượng của Charles M. Schwab (Ông trùm Tập đoàn Thép Hoa Kỳ). Thứ hai, ông hòa vào ý tưởng đó một niềm tin mãnh liệt. Thứ ba, ông hình thành một kế hoạch để biến ý tưởng đó thành hiện thực trên cả phương diện nguồn lực lẫn tài chính.

Charles M. Schwab – Ông trùm Tập đoàn Thép Bethlehem

 

Thứ tư, ông đã bắt đầu hành động để thực hiện kế hoạch đó bằng một bài phát biểu nổi tiếng ở Câu lạc bộ Đại học. Thứ năm, ông đã kiên định thực hiện và theo đuổi đến cùng ý tưởng đó, đưa ra những quyết định chắc chắn cho đến khi ý tưởng hoàn toàn biến thành sự thực. Thứ sáu, ông đã chuẩn bị cho thành công bằng một khát khao cháy bỏng vươn tới thành công.

Sự mô tả đáng kinh ngạc về sức mạnh của một ý tưởng này được John Lowell kể lại một cách ấn tượng trong tờ New York World – Telegram, đoạn hay nhất được trích lại dưới đây với sự đồng ý của ông:

Bài diễn thuyết trị giá 1 tỉ đô la

Vào buổi tối ngày 12.12.1900, một sự kiện trọng đại đã diễn ra tại buổi dạ tiệc ở Câu lạc bộ University trên Đại lộ Số 5 để tôn vinh một người đàn ông trẻ đến từ miền Tây xa xôi. Đây cũng là thời điểm “đứa trẻ trị giá 1 tỉ đô la” mang tên Tập đoàn Thép Hoa Kỳ bắt đầu thai nghén, một sự kiện có ý nghĩa nhất trong lịch sử ngành công nghiệp Mỹ.

Trước đó, bữa tối được tổ chức để giới thiệu Charles M. Schwab – người đàn ông 38 tuổi kinh doanh trong ngành sắt thép ấy với giới ngân hàng miền Tây. Tuy nhiên, trước khi diễn ra bữa tiệc, Schwab đã được cảnh báo là sẽ chẳng có mấy ai mặn mà với lời diễn thuyết của ông. Những nhân vật cộm cán xuất hiện chỉ để làm cho bữa tiệc thêm sang trọng. Đối với giới báo chí và công chúng, bữa tiệc này chỉ là một sự kiện nhỏ, không đủ lý do để được đăng trên mặt báo ngày hôm sau.

Thật không may là lịch sử không hề chép lại lời nói của Charles Schwab tại bữa tối hôm đó. Song nó có một sức kích động và ảnh hưởng rất lớn đến những người tham dự, những người mà tổng số vốn của họ ước tính lên tới 5 tỉ đô la Mỹ.

Sau khi buổi chiêu đãi đã kết thúc, dư âm và ma lực đầy quyến rũ của nó vẫn còn đọng lại. Dù cho Schwab đã nói hơn 90 phút, J.P. Morgan (ông hoàng của phố Wall) vẫn dẫn nhà diễn thuyết đến một bậu cửa sổ. Họ ngồi buông chân lủng lẳng trên bậu cửa đó một cách chẳng lấy gì làm thoải mái để tiếp tục trò chuyện thêm 1 giờ đồng hồ nữa.

Sức lôi cuốn kỳ lạ trong cá tính của Schwab đã được thể hiện với đầy đủ sức mạnh của nó. Nhưng quan trọng và trường tồn với thời gian hơn cả là một dự án rõ ràng và dứt khoát mà ông đã đưa ra để mở rộng phạm vi hoạt động của ngành thép.

Bài diễn thuyết của Charles M. Schwab đã khiến Morgan tìm thấy giải pháp cho vấn đề sáp nhập kinh doanh. Một sự thật là nếu một tập đoàn thép mà không có Carnegie, người khổng lồ nhất trong ngành, thì sẽ không thể là một tập đoàn. Như một nhà văn nào đó đã viết: một cái bánh put-đinh nhân nho nhưng bên trong không có miếng nho khô nào thì không còn là một chiếc put-đinh nữa.

Bài nói chuyện của Schwab trong đêm 12.12.1900, dù chưa có cam kết chính thức, rõ ràng là đã đi đến kết luận rằng tập đoàn thép khổng lồ của Carnegie có thể sẽ được bảo trợ dưới cái ô tài chính của Morgan. Schwab đã nói về tương lai của ngành thép, về khả năng tái cải tổ để ngành này hoạt động hiệu quả, về sự chuyên môn hóa trong sản xuất, về việc loại bỏ những nhà máy không thành công và tập trung nỗ lực vào những nhà máy phát đạt, về khả năng tiết kiệm trong quá trình vận chuyển quặng, về tiết kiệm chi phí và tinh giản bộ máy hành chính, về việc nắm bắt thị trường nước ngoài.

Buổi tiệc tối tại Câu lạc bộ University kết thúc. Morgan mất khoảng 1 tuần để ngẫm nghĩ và thấu hiểu toàn bộ những lý do thuyết phục mà Schwab đã trình bày với ông. Khi ông tin chắc rằng không có hậu quả nào về mặt tài chính trong dự án này, ông cho mời Schwab đến.

Schwab mang vào cuộc hội nghị 6 trang tài liệu quan trọng. Những trang tài liệu đó trình bày những quan điểm của Schwab về giá trị vật chất và tiềm năng lợi nhuận của mỗi công ty thép mà ông xem như là một “ngôi sao không thể thiếu” trên “bầu trời mới” của ngành công nghiệp luyện kim.

Suốt cuộc bàn thảo đêm hôm đó, những trang tài liệu của người đàn ông đến từ Pittsburgh, Pennsylvania chưa bao giờ bị nghi ngờ. Nếu ông nói một công ty có giá trị, thì nó đúng là như thế và không còn gì phải nói thêm nữa. Đến sáng, Morgan vươn vai đứng dậy. Chỉ có 1 câu hỏi sau cùng.

“Anh nghĩ anh có thể thuyết phục Carnegie bán không?”, Morgan hỏi.

“Tôi sẽ thử”, Schwab trả lời.

“Nếu anh có thể thuyết phục được ông ấy, thì tôi sẽ lo liệu mọi việc còn lại”.

Năm 1901, với khả năng thuyết phục, Schwab đã rót vào tai ông vua thép những lời hứa hẹn rực rỡ về một tuổi già thoải mái, về hàng triệu vấn đề linh tinh có thể thỏa mãn tính cách tương đối đồng bóng của ông già Carnegie. Cuối cùng Carnegie đầu hàng, viết ra một cái giá trên miếng giấy nhỏ rồi đưa nó cho Schwab và nói: “Thôi được, chúng tôi sẽ bán với giá này”.

Con số đó là khoảng 400 triệu đô la, bao gồm 320 triệu đô la như Schwab ước tính, và cộng thêm tám mươi triệu đô-la cho giá trị gia tăng trong hai năm đã qua.

Dĩ nhiên, đây là một sự kiện chấn động. Một phóng viên người Anh nhận xét thế giới sắt thép ở các nước khác đang “hoảng sợ” bởi liên minh khổng lồ vừa mới được hợp nhất. Nhà môi giới cổ phiếu tài năng Keene đã đẩy mạnh việc tung cổ phiếu của tập đoàn mới này ra công chúng, và tất cả số cổ phiếu ước tính gần 600 triệu đô la đã được bán hết veo trong nháy mắt. Carnegie nắm được hàng triệu đô la cổ phiếu và Tập đoàn Morgan được tới 62 triệu, các “cậu bé”, từ Gates đến Gary, đều có tiền triệu trong tay.

Câu chuyện đầy kịch tính về Tập đoàn Thép Hoa Kỳ là một minh chứng hoàn hảo cho phương pháp mà qua đó niềm khát khao có thể được chuyển thành giá trị vật chất tương đương.

Tổ chức khổng lồ đó đã được thành lập trong tâm trí của một người. Kế hoạch hợp nhất các nhà máy thép đơn lẻ để tạo nên sự vững mạnh và ổn định về mặt tài chính đã được hình thành trong tâm trí Schwab từ trước đó khá lâu. Niềm tin, khát vọng, óc tưởng tượng, sự kiên trì của ông là những “thành tố” đưa ông vào lịch sử nền sắt thép Hoa Kỳ. Những phân tích cẩn thận cho thấy giá trị tài sản của tập đoàn tăng khoảng sáu trăm triệu đô la (tương đương 12 tỉ đô la ngày nay) chỉ nhờ một giải pháp đơn giản là hợp nhất các nhà sản xuất thép lại dưới một sự quản lý chung.

Nói cách khác, ý tưởng của Charles Schwab, cùng với niềm tin mà ông đã truyền vào tâm trí của J. P. Morgan và những người khác, đã được tung ra thị trường để đem về một khoản lợi nhuận là sáu trăm triệu đô. Kết quả không tầm thường chút nào cho chỉ một ý tưởng!

J.P. Morgan – Người được mệnh danh là Napoleon của phố Wall

 

Tập đoàn Thép Hoa Kỳ làm ăn rất phát đạt và trở thành một trong những tập đoàn giàu có và quyền lực nhất nước Mỹ, tuyển dụng hàng ngàn nhân công, phát triển những công dụng mới cho thép và mở ra những thị trường mới, chứng minh rằng lợi nhuận 600 triệu đô la mà ý tưởng của Schwab tạo ra là thực tế.

Sự giàu có bắt nguồn dưới dạng những ý tưởng.

Tiền bạc chỉ đến với những người biết cách biến những suy nghĩ của họ thành kế hoạch hành động. Niềm tin sẽ xóa bỏ mọi giới hạn! Hãy nhớ điều này khi bạn mặc cả với Cuộc đời cho bất cứ điều gì bạn muốn với cái giá mà bạn sẵn sàng chi trả.

* Nội dung bài viết được rút từ cuốn sách Nghĩ giàu, Làm giàu của tác giả Napoleon Hill xuất bản năm 1937. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.