Ông Phan Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam nhận định nếu ngành cà phê vượt qua khó khăn trong năm 2020, bước sang 2021 sẽ là năm tăng trưởng đột phá do nhu cầu được dự báo tăng mạnh khi các sự kiện văn hoá, thể thao lớn trên thế giới đồng loạt tổ chức trở lại.
Sản lượng niên vụ 2020 - 2021 dự kiến giảm 15% so với năm trước
Hạn hán, dịch COVID-19, giá cà phê chạm đáy 10 năm! Đó là những gì mà ngành cà phê Việt Nam đang phải trải qua.
Hạn hán ở khu vực Tây Nguyên gây thiệt hại lớn cho cây cà phê. Tình trạng thiếu nước tưới đang diễn ra ở nhiều địa phương của tỉnh Đắk Nông. Theo báo cáo của UBND huyện Đắk Mil, toàn huyện có 42 công trình hồ đập thủy lợi, đến cuối tháng 3 đã có 5 hồ cạn nước, gần 20 công trình không đủ nước tưới đợt 3.
Trong báo cáo thị trường nông sản được công bố hôm 31/3, Bộ Công Thương cảnh báo nếu tháng 4 tình trạng hạn hán vẫn diễn ra, trên địa bàn huyện sẽ có khoảng 4.766 ha cây trồng thiếu nước tưới và khoảng 732 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.
Tại huyện Krông Nô, tính đến cuối tháng 3 đã có hơn 300 ha cà phê tại xã Nam Xuân và xã Đắk Sôr thiếu nước tưới do nắng nóng kéo dài, nguồn nước từ nhiều khe suối, ao hồ đã cạn kiệt. Thiếu nước, cây trồng cho năng suất thấp hoặc chết khô.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng cảnh báo nếu tình trạng khô hạn vẫn diễn ra dự báo trong tháng 4 và tháng 5, hàng chục nghìn ha cây trồng tại Đắk Nông thiếu nước tưới.
Không dừng lại ở đó, giá cà phê trong tháng 3 giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua gây áp lực cho cả nhà xuất khẩu lẫn người nông dân.
Cụ thể, ngày 30/3, giá cà phê giảm từ 4,8 - 5,7% so với ngày 29/2, xuống còn 29.500 đồng/kg tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng và 30.000 đồng/kg tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.
Tại cảng khu vực TP HCM, giá cà phê robusta loại R1 giảm 4,9% so với ngày 29/2, xuống mức 31.300 đồng/kg.
Tính trong quí I, giá cà phê giảm khoảng 1.600 – 2.100 đồng/kg.
Tại tỉnh Đồng Nai, lợi nhuận từ cây cà phê mỗi năm mỗi giảm khiến cho diện tích trồng cà phê trong tỉnh có xu hướng thu hẹp lại. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng hơn 13.000 ha cà phê, giảm khoảng 4.000 ha so với cuối năm 2017.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2020 - 2021 sẽ giảm 15% so với niên vụ 2019 - 2020.
Kịch bản đen tối trong quí II
Vấn đề gây đau đầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu lúc này có lẽ là đại dịch COVID-19 lây lan quá nhanh và rộng rãi, buộc nhiều nước phải áp dụng chính sách phong toả hoặc giãn cách xã hội. Hàng loạt nhà hàng, chuỗi quán cà phê đóng cửa kéo theo nhu cầu mặt hàng này giảm mạnh.
Theo đó, Chính phủ nhiều nước trong đó có Châu Âu và Mỹ đã có lệnh cấm hoạt động mua bán phục vụ cà phê trực tiếp, nhiều chuỗi, hàng quán đóng cửa là một thiệt hại lớn cho ngành cà phê, nhất là người trồng.
Tại Mỹ, chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks đã tuyên bố đóng cửa vô thời hạn một số địa điểm rang xay tại nhiều bang ở Mỹ trong cuối tháng 3/2020.
Ông Phan Xuân Thắng, Chủ tịch HĐTV - Tổng Công ty Cà phê Việt Nam – Công ty TNHH MTV, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp Cà phê - Cacao Việt Nam cho biết chuỗi các cửa hàng cà phê, nhà hàng là kênh tiêu thụ lớn nhất hiện nay.
Các nhà rang xay cũng đang tăng cường sử dụng hàng tồn kho trước đó thay vì kí hợp đồng xuất khẩu mới. Do đó các đơn hàng kí mới rất “nhỏ giọt”, liên luỵ đến toàn hệ thống sản xuất, xuất khẩu. Hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bị thu hẹp lại rất nhiều.
“Doanh nghiệp tôi hiện cũng đang rất khó khăn trong việc chào hàng với đối tác. Lượng tiêu thụ của các chuỗi quán cà phê trên thế giới chỉ còn ở mức khoảng 20% so với bình thường. Trước đó, chúng tôi kì vọng vào các sự kiện thể thao lớn như Thế vận hội Mùa hè 2020 có thể thúc đẩy nhu cầu đồ uống, đặc biệt là cà phê. Thế nhưng những sự kiện này đồng loạt bị hoãn”, ông Thắng nói.
Thêm vào đó, mặc dù nhu cầu các mặt hàng tiêu dùng tăng cao trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan mạnh nhưng cà phê lại không phải là hàng thiết yếu nên việc tiêu thụ cũng không tăng.
Mới đây, trong báo cáo đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với mặt hàng cà phê, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) nhận định suy thoái kinh tế toàn cầu cũng tác động đáng kể đối với nhu cầu cà phê.
Thu nhập hộ gia đình giảm có thể khiến nhu cầu cà phê thấp hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng nhạy cảm về giá có thể thay thế cà phê có giá trị cao bằng các loại có giá trị thấp hơn.
“Rất có thể trong quí II, ngành cà phê Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn. Tôi lo ngại sẽ xảy ra một cuộc biến động giá rất mạnh trong giai đoạn này khi lượng tiêu thụ hạn chế khi tình hình kinh tế đang rất khó khăn”, ông Thắng nhận định.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu cà phê tháng 3 ước đạt 154 nghìn tấn với giá trị đạt 261 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2020 đạt 474 nghìn tấn và 801 triệu USD, giảm 3% về khối lượng và giảm 5,6% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Ông Phan Xuân Thắng và ông Nguyễn Nam Hải đều đưa ra cùng nhận định rằng sở dĩ quí I việc xuất khẩu chưa chịu ảnh hưởng nhiều do các doanh nghiệp thực hiện nốt các đơn hàng từ cuối năm ngoái.
“Mặc dù xuất đi được nhiều nhưng không hiệu quả do giá cà phê xuất khẩu quá thấp. Hầu hết doanh nghiệp chấp nhận chịu lỗ để giữ uy tín với đối tác”, ông Thắng nói.
Trong bản báo cáo cập nhật thị trường nông sản của Cục Chế biến và Phát triển Nông sản, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Anh trong quí I giảm tới một nửa so với cùng kì năm ngoái xuống còn hơn 13,5 triệu USD.
Trong nguy có cơ
Trong bối cảnh hạn hán và giá cả thấp, nông dân nhiều nơi trên thế giới trong đó có cả Việt Nam chuyển đổi sang các cây trồng khác kéo theo sản lượng giảm. Cục Chế biến và Phát triển Nông sản nhận định đây sẽ một trong những yếu tố giúp hỗ trợ giá cà phê trong thời gian tới do lo ngại nguồn cung tạm thời bị gián đoạn.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu đình trệ khắp nơi do dịch bệnh gia tăng đã buộc nhiều cảng giao nhận hàng hóa phải đóng cửa sẽ khiến giá cà phê chưa thể phục hồi nhanh chóng.
Tổ chức ICO cũng chỉ ra nhiều nghiên cứu gần đây mới chỉ nhiều nghiên cứu mới chỉ tập trung ở khía cạnh nhu cầu giảm sút mà quên đi việc nguồn cung cũng đang bị gián đoạn.
“Chỉ khi hiểu rõ các tác động cụ thể của đại dịch đối với người trồng cà phê, thương nhân, nhà máy rang xay và người tiêu dùng, các biện pháp khắc phục và hỗ trợ mới được áp dụng hiệu quả để vượt qua cuộc khủng hoảng và đảm bảo tính bền vững lâu dài của ngành cà phê toàn cầu”, ICO nhận định
Tuy vậy, ông Thắng vẫn có cái nhìn lạc quan trong tương lai, theo ông nếu ngành cà phê vượt qua khó khăn trong năm 2020, bước sang 2021 sẽ là năm tăng trưởng đột phá của ngành do nhu cầu được dự báo tăng mạnh khi các sự kiện văn hoá, thể thao lớn trên thế giới đồng loạt tổ chức trở lại.
“Trong đại dịch này ảnh hưởng lớn đến cà phê, Chính phủ nên tạo điều kiện cho ngành để tháo gỡ khó khăn. Nếu tình hình dịch bệnh lắng xuống, nhu cầu cà phê trong năm 2021 sẽ rất cao và là cơ hội lớn cho ngành”, ông Thắng nhận định.
Đức Quỳnh