Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40km về phía Tây, huyện Mường Ảng được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê. Chất lượng cà phê của Mường Ảng từ lâu đã được các chuyên gia đánh giá cao, có hương vị đặc trưng riêng.
Cà phê: Cây xóa đói giảm nghèo của người dân Mường Ảng
Tỉnh Điện Biên có khí hậu lạnh do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc cùng lượng mưa lớn, mùa khô không rõ rệt, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, vùng đất Mường Ảng nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung phù hợp cho cây cà phê sinh trưởng, phát triển. Đến nay, cây cà phê dần khẳng định vị trí là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh; đồng thời, tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Huyện Mường Ảng có hơn 3.000 ha cà phê. Theo tính toán của chủ vườn, mỗi 1 ha cà phê khi đến vụ thu hoạch cần ít nhất 2 người thu hái. Như vậy, mỗi vụ thu hoạch, toàn huyện cần hơn 6.000 lao động địa phương. Do vậy, cây cà phê Arabica hiện có trên địa bàn huyện Mường Ảng đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với số tiền công lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Để cà phê Mường Ảng đạt chất lượng cao nhất thì yêu cầu đầu tiên đó là cà phê phải được hái đúng tầm chín. Quả chín đỏ hoặc vừa chín, chứ không hái quả xanh; đặc biệt là không để lẫn với những quả chín nẫu hay khô. Trong sản phẩm thu hái, tỷ lệ quả chín hoặc chín vừa phải đạt từ 95% trở lên (trừ đợt thu hoạch lần cuối tỷ lệ có thể thấp hơn). Cà phê thu hái xong phải chế biến ngay, nếu không kịp chế biến phải trải quả cà phê trên nền gạch cho thoáng mát, không quá dày (30 - 40cm) cũng không được ủ đống khiến quả nóng và lên men. Nhờ tuân thủ quy trình thu hái, bảo quản nghiêm ngặt sau thu hái nên cho dù cà phê tươi hay cà phê trấu nên nhiều năm qua, giá bán của cà phê Mường Ảng thường cao hơn so với mặt bằng của các loại cà phê khác trên thị trường.
Chất lượng của cà phê Mường Ảng từ lâu đã được các chuyên gia đánh giá cao, có hương vị đặc trưng riêng. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng đã và đang được các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và đồng bào Mường Ảng nỗ lực thực hiện.
Giải pháp hỗ trợ nâng tầm thương hiệu cà phê Mường Ảng
Ngoài việc, tích cực chuẩn bị các bước để xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng về thị trường và để nâng giá trị kinh tế cho cà phê Mường Ảng của chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã và đang từng bước đầu tư cho chế biến sâu, nâng chất lượng và khả năng tiêu thụ sản phẩm cho người trồng cà phê Mường Ảng. Tuy nhiên để có những sản phẩm chất lượng cao ấy, người trồng cà phê phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, thu hái đến bảo quản.
Ðiều đáng trăn trở là hiện nay với hơn 3.300ha cà phê, mỗi năm thu hoạch hàng nghìn tấn quả, nhưng đến nay trên địa bàn huyện Mường Ảng chỉ có 3 cơ sở chế biến cà phê là: Công ty TNHH Hải An, Cơ sở chế biến cà phê Trường Xuân và Cơ sở chế biến cà phê Ðại Bách. Lượng thu mua cà phê của 3 cơ sở này không lớn. Vì vậy, sản phẩm cà phê Mường Ảng đều phụ thuộc vào thị trường tự do. Ðiều này dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm cà phê cho người dân nhiều năm qua không chỉ theo vòng luẩn quẩn được mùa mất giá và thêm cả được mùa khó… bán. Và thực tế cho thấy, nếu điệp khúc trên vẫn cứ tiếp diễn thì việc thực hiện duy trì và phát triển đạt 3.800ha cây cà phê vào năm 2020 theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Mường Ảng, nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ vô cùng khó khăn.
Trước tình hình đó, huyện Mường Ảng đã phát triển trung tâm giống và dịch vụ kỹ thuật cao tại Trạm khuyến nông, khuyến ngư để cung cấp đầy đủ giống tốt và dịch vụ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu cho sản xuất cà phê, sẽ sử dụng các loại giống mới, lai tạo để trồng đại trà.
Ngoài ra, huyện tăng cường công tác tuyên truyền về tiêu chuẩn chất lượng và lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng như TCVN 4193:2005, UTZ, 4C, VietGap... tạo ra sản phẩm cà phê sạch, để người dân hiểu và thực hiện nghiêm túc, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm.
Nghiên cứu lai tạo, chọn lọc những giống cà phê có sức kháng bệnh, có năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất đại trà; xem xét, nghiên cứu đưa các loại cà phê giống tốt từ nước ngoài về trồng thử nghiệm; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy trình sản xuất cà phê sạch, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất cà phê.
Bên cạnh đó, Mường Ảng còn đẩy mạnh công tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác cà phê sạch; thực hiện cải tạo vườn cây hiện có thành vườn cà phê sạch; vận động người làm cà phê chỉ thu hái quả chín từ 95% trở lên, không hái quả xanh đề đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê theo công nghệ tiên tiến, với công suất vừa phải, phù hợp với sản lượng cà phê tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện, đồng thời kết hợp sản xuất phân vi sinh từ phụ phẩm cà phê. Các nhà máy chế biến, cơ sở chế biến cà phê phải bố trí hệ thống thu gom chất thải, xử lý chất thải đảm bảo yêu cầu.
Viên Minh