Nhìn lại thị trường cà phê Việt Nam trong thời gian qua có thể thấy đây là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, không ít những ông lớn cũng đã phải tháo chạy khỏi đất nước hình chữ S này.

Sự thất bại của không ít chuỗi thương hiệu cà phê đã cho thấy rằng mặc dù là một thị trường đầy tiềm năng nhưng để chinh phục thị trường Việt cũng như người dùng Việt là một chuyện không hề dễ dàng.

Đánh giá về thị trường cà phê Việt Nam, CNBC đã từng có một bài phân tích khá thú vị, chi tiết như sau:

Theo thống kê năm 2018, Việt Nam có tổng cộng 540.000 nhà hàng lớn nhỏ và có tới 430.000 trong số đó là quầy hàng đường phố. Ngay cả 5 chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam cũng mới chỉ nắm giữ 15,3% thị trường; trong đó chuỗi cà phê Highlands Coffee đứng đầu với 7,2%, Starbucks chiếm 2,9% thị phần. Thị trường cà phê Việt Nam trị giá khoảng tầm 1 tỷ USD.

Trước đó mức sống còn thấp, người dân Việt chủ yếu thưởng thức cà phê truyền thống lề đường. Thế nhưng khi cuộc sống ngày càng nâng cao nhu cầu tìm đến những sản phẩm có chất lượng tốt hơn đã tạo điều kiện cho chuỗi cửa hàng cà phê phát triển.

Mặc dù hầu hết người dân Việt đều có thói quen uống cà phê. Song có những đặc điểm nhất định. Chính vì điều đó nếu như không khéo léo trong việc tìm hiểu điều chỉnh khẩu vị theo sở thích người Việt thì khó có thể mà chinh phục được họ.

Hiện tại chuỗi cà phê tại thị trường Việt Nam có sự cạnh tranh khốc liệt của cả thương hiệu nội và ngoại. Nội có Trung Nguyên Legend, The Coffee House, Cộng và Phúc Long. Ngoại có Jollibee, Starbucks, Wayne’s Coffee, sắp tới có thể là Cafe Amazon.

Cuộc chiến có lẽ như đã khá rõ ràng về kết quả. Starbucks hiện đang đuối sức dần trước các đối thủ của mình. Nguyên nhân thất bại của Starbucks – chuỗi cà phê thành công vang dội ở Mỹ và có hơn 30.000 cửa hàng trên toàn thế giới hoàn toàn có thể dễ hiểu.

Như đã nói ở trên, người Việt Nam vẫn quen uống loại cà phê pha trộn với thành phần cà phê robusta mạnh hơn arabica; họ cần thời gian để làm quen với những xu hướng mới tốt cho sức khỏe hơn, như cà phê nguyên chất mộc pha chế theo phong cách Ý.

Tất nhiên, người Việt Nam sẽ không chuyển từ uống cà phê theo cách truyền thống sang hẳn kiểu quốc tế, mà những latte, cappuccino trở thành một lựa chọn khác bên cạnh cà phê đá, cà phê sữa…Menu không đa dạng và không địa phương hóa đã khiến chuỗi cà phê này gặp khó tại Việt Nam. Bên cạnh đó giá cao cũng là yếu tố đáng để cân nhắc.

Tuy nhiên trong chia sẻ mới nhất của mình đại diện chuỗi cà phê Stabucks tại Việt Nam đã không đồng tình về việc đánh giá rằng thương hiệu này thất bại tại Việt Nam mà có xu hướng chậm mà chắc.

Cuộc đại chiến chuỗi cà phê chính thức bùng nổ năm 2020?

Hiện tại Highlands Cofee đang dẫn đầu chuỗi cà phê có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất hiện nay nhưng điều đó không có nghĩa là thương hiệu này có thể giữ vững được vị trí của mình trong năm 2020 bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều đối thủ sừng sỏ khác.

Chia sẻ về kế hoạch trong năm 2020 Đại diện chuỗi cà phê Coffee House cho biết: “Trong năm 2019, chúng tôi chủ yếu chủ động mở cửa hàng chậm để xây dựng năng lực cốt lõi nhằm có thể ‘bùng phát’ trong năm 2020. Kế hoạch của The Coffee House là sẽ mở thêm 100 quán trong năm 2020. Chúng tôi vẫn tự mở quán và tự vận hành, chưa tính tới việc cho nhượng quyền.

Ở mảng bán lẻ, trong 5 năm đầu tiên các startup phải xây dựng được hệ thống ổn định, cũng như 3 năm một lần cần phải nâng cấp những quán có concept hoặc địa điểm không còn phù hợp với thị hiếu thị trường và định hướng chung của doanh nghiệp.

Với Trung Nguyên, vì đã đánh mất tiên cơ phát triển chuỗi Trung Nguyên Legend khi phải theo vụ kiện ly hôn dai dẳng giữa vợ chồng ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ những cũng đã nỗ lực bám đuổi ra mắt thương hiệu chuỗi cà phê mới E-Coffee.

Chính thức ra mắt đầu tháng 8/2019, cùng hình thức nhượng quyền và nhiều ưu đãi khác trong thời gian đầu ra mắt, hiện tại E-Coffee đã có 154 cửa hàng đang vận hành và 400 cửa hàng đang xúc tiến mở mới trên 33 tỉnh thành.

Theo chia sẻ từ đại diện của Trung Nguyên, thì ‘tốc độ đăng ký mới bình quân là 10 cửa hàng/ngày’. Mục tiêu của Trung Nguyên trong năm 2020 là có 3.000 quán E-Coffee, còn Trung Nguyên Legend sẽ tiếp tục phát triển có chọn lọc.

Chuỗi cà phê – trà sữa Phúc Long thì năm vừa qua cũng đã Bắc tiến và mở những cửa hàng đầu tiên của mình ở khu vực này.

Bên cạnh những đối thủ cũ, năm 2020 thị trường cà phê sẽ có thể đón thêm sự xuất hiện của tân binh mới.

Mới đây Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Central Restaurants Group đã công bố hợp tác để cùng vận hành chuỗi Cafe Amazon tại Việt Nam.

Ra mắt từ năm 2001, thương hiệu cà phê này có 2,4 triệu khách mỗi năm tại các chi nhánh. Ngoài Thái Lan, Myanmar và Philippines, Cafe Amazon cũng đã vận hành 3.000 cửa hàng ở Campuchia, Lào, Nhật Bản, Oman, Trung Quốc và Singapore.

Tờ BangkokPost cho biết tổng vốn đầu tư vào khoảng 3,5 triệu USD. Trong đó, PTT thông qua PTTOR (công ty con của PTT chuyên về mảng bán lẻ) chiếm 60% cổ phần, 40% còn lại do Central Group nắm giữ.

Tuy nhiên cả hai bên đều không tiết lộ thời gian cụ thể ra mắt quán cà phê Amazon đầu tiên ở Việt Nam nhưng nhiều khả năng là chuỗi cà phê này cũng sẽ ra mắt trong năm nay.

Qua đó có thể thấy với những dự định trong năm mới, hứa hẹn 2020 sự cạnh tranh của các chuỗi cà phê tại thị trường Việt Nam sẽ khốc liệt và nhiều dự đoán sẽ chiến trường sẽ dời về các quận/huyện ngoại ô ở các thành phố lớn và các tỉnh lẻ. Với tình hình hiện có thể thấy mặc dù đang dẫn đầu nhưng nếu không cẩn thận, Highland Coffee hoàn toàn có thể dễ dàng đánh mất vị trí của mình vào tay đối thủ. Rát khó nói trước được ông lớn nào sẽ dẫn đầu thị trường chuỗi cà phê trong năm nay.