Lâm Đồng là một trong năm tỉnh được Bộ Công Thương triển khai đề án điểm “Hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất và chất lượng trong chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020”. Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã và đang tận dụng tốt nguồn lực hỗ trợ nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm nông sản đặc trưng trên địa bàn.

Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng nhiều chương trình khuyến khích các cơ sở sản xuất chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã triển khai hỗ trợ 44 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.

Trong đó: Hỗ trợ 2 nội dung ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho 12 cơ sở; hỗ trợ 300 lượt học viên tại doanh nghiệp chế biến cà phê tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, với kinh phí 3,4 tỷ đồng; đồng thời, tổ chức 6 đợt giao thương với 32 doanh nghiệp chế biến cà phê.

Sau hơn 2 năm triển khai đề án điểm, 14 hợp đồng mua bán, trao đổi để tiêu thụ sản phẩm; 22 biên bản hợp tác, liên kết để tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp và nhà phân phối lớn tại các khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Qua đó, giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoàn thiện sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như thế giới, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thu hút 10 tỷ đồng vốn đối ứng từ các doanh nghiệp.

Theo đánh giá từ Sở Công Thương, sau hơn 2 năm triển khai, đề án điểm đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn, giúp DN hoàn thiện sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như thế giới, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Đặc biệt, đề án đã thu hút 10 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh cũng tổ chức được 6 đợt giao thương với 32 doanh nghiệp chế biến cà phê. Kết quả, 14 hợp đồng mua bán, trao đổi để tiêu thụ sản phẩm; 22 biên bản hợp tác, liên kết để tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp và nhà phân phối lớn tại các khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Để tiếp tục triển khai đề án, trong thời gian còn lại của năm 2020, khuyến công Lâm Đồng sẽ chọn lọc và hỗ trợ trọng tâm các doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn, trong đó chú trọng ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất.

Sở Công Thương đề nghị, với đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khi xây dựng đề án bỏ địa điểm đầu tư, đơn vị thụ hưởng và chủng loại máy móc, thiết bị. Bởi trước khi triển khai thực hiện, phải xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết theo quy định. Đối với đề án điểm, phải có 2 nội dung hỗ trợ trở lên. Khi xây dựng đề án, cần chi tiết nội dung, số kinh phí, số đơn vị thụ hưởng, ngành nghề ưu tiên và bỏ địa điểm đầu tư, đơn vị thụ hưởng, chủng loại máy móc, thiết bị.

Với diện tích xấp xỉ 150.000 ha cà phê, sản lượng ước đạt 382.000 tấn, Lâm Đồng là một trong những vùng cà phê lớn nhất cả nước. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 5 vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Lạc Dương và Di Linh. Tuy nhiên, phát triển ngành cà phê Lâm Đồng không thể không hướng tới việc nâng cao năng suất, chất lượng. Bởi, tiềm năng đất đai là giới hạn, không thể khai thác mãi dựa trên diện tích đất đai rộng lớn.

Do vậy, đổi mới chất lượng hạt cà phê dựa trên nền có sẵn là xu hướng phát triển hợp lý. Để tiếp tục nâng cao giá trị cho loại cây trồng này, tỉnh Lâm Đồng đang thúc đẩy phát triển cà phê theo chuỗi nông sản toàn cầu. Theo đó, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện đề án tái canh, tỉnh còn nâng cao chất lượng cà phê thành phẩm, thông qua hoạt động hỗ trợ ứng dụng thiết bị, máy móc hiện đại trong chế biến.

Khánh Hòa