Trung Nguyên, Highlands Coffee, The Coffee House… tham vọng có hàng nghìn cửa hàng nhưng không dễ dàng đạt được. Các chuỗi đang cạnh tranh gay gắt, mặt bằng tại nhiều "vòng xoay cà phê" liên tục đổi chủ, người mới thay thế người cũ.

Chuỗi cà phê Ông Bầu của bầu Đức (Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai), bầu Thắng (Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty CP Đồng Tâm) và bầu Hải (Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch NutiFood), vừa chính thức khai trương cửa hàng thứ 100 tại TP HCM. Ra mắt đầu năm nay, bất chấp đại dịch COVID-19, chuỗi này vẫn mở rộng ồ ạt, khẳng định quyết tâm làm cà phê của các ông bầu bóng đá.

Vinamilk cũng vừa tuyên bố sẽ làm chuỗi cà phê, tuy nhiên, hướng đi của đại gia ngành sữa khá thận trọng khi tận dụng hệ thống 430 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt để bán thêm cà phê. Bà Mai Kiều Liên cho rằng việc này nhằm không phải tốn 15.000-20.000 USD phí thuê mặt bằng giữa lúc thị trường cà phê đang cạnh tranh gay gắt, khốc liệt hơn bao giờ hết.

Chuỗi cà phê đang khốc liệt ra sao?

Vòng xoay Trần Khắc Chân (quận Phú Nhuận) nằm cạnh cầu Trần Khánh Dư nối đường Hoàng Sa và Trường Sa, thường được giới trẻ và người dân khu vực xung quanh đặt cho cái tên "vòng xoay cà phê". Tương tự, Ngã Sáu Phù Đổng (Quận 1) hay Công trường Quốc tế quanh Hồ Con Rùa (quận 3), khu vực này rất nhiều quán cà phê lớn nhỏ.

Vị trí thuận lợi, giáp quận 1 và phố ăn uống Phan Xích Long, "view đẹp"… là lí do khiến các chuỗi cà phê lớn đổ dồn về đây, cạnh tranh khốc liệt. Không ít lần những mặt bằng đắc địa khu này đã phải đổi chủ và người mới thay thế người cũ, không ai khác cũng chính là "ông lớn" cà phê.  

Giữa năm ngoái, nhiều khách quen của Trung Nguyên bất ngờ khi cửa hàng nằm ở vòng xoay Trần Khắc Chân đóng cửa. Biển hiệu Trung Nguyên dần được tháo xuống, mặt bằng được thi công lại. Thời điểm đó, nhiều người đồn đoán sẽ có một nhà hàng mọc lên, nhưng cuối cùng thế chỗ Trung Nguyên chính là Highlands Coffee - "ông lớn" đang sở hữu nhiều cửa hàng cà phê nhất hiện nay.

Thay Trung Nguyên, mặt bằng của Highlands Coffee hiện nay đối diện trực tiếp với The Coffee House. Hai cửa hàng chỉ cách nhau vài bước chân. Trong khi đó, sát vách The Coffee House là Cộng Cà phê. 3 cửa hàng của 3 chuỗi lớn nằm nối tiếp nhau và đối diện bên kia vòng xoay là một thương hiệu mới được giới trẻ yêu thích gần đây: Cheese Coffee.

Cục diện tại "Công trường Cà phê" Hồ Con Rùa cũng cạnh tranh khốc liệt không kém. Hiện khu vực này có sự hiện diện của Highlands Coffee, Cộng Cà phê, Phúc Long, Passio… và một loạt cửa hàng cà phê lớn nhỏ khác. 

Sự thay đổi gần nhất tại đây là sự ra đi của The Coffee House để chuẩn bị cho cửa hàng đặc biệt "signature" nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, cách đó chỉ vài trăm mét. Đáng chú ý, cửa hàng "signature" đầu tiên này của The Coffee House cũng thế chân Trung Nguyên - một trong những điểm kinh doanh đắt khách của "Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ.

Mặt bằng cũ của The Coffee House tại Công trường Quốc tế được nhường lại cho "người anh em" trà sữa Ten Ren, nhưng sau đó, Ten Ren rút khỏi thị trường, Toocha thế chỗ. Thế nhưng, đến nay mặt bằng này lại tiếp tục một lần nữa đổi chủ, một thương hiệu mới trong kinh doanh đồ uống, nước giải khát đã thuê lại.

Thực tế, khảo sát cho thấy xung quanh những "khu vực vàng" này, các chuỗi cà phê đang cạnh tranh khốc liệt. Trong bán kính khoảng 1-2 km, số lượng điểm kinh doanh cùng một thương hiệu lên đến con số 3-4, thậm chí có cả chục cửa hàng cùng cạnh tranh.

Cạnh tranh và đuối sức

Cạnh tranh gay gắt, cùng một mặt bằng hết "ông lớn" này thay chân "ông lớn" khác và liên tục mở rộng chuỗi, tuy nhiên, nếu so sánh với những tuyên bố mà người đứng đầu các thương hiệu từng khẳng định, thì dường như tham vọng hàng nghìn cửa hàng cà phê chỉ trong vài năm là không hề dễ dàng.

Chính thức có cửa hàng đầu tiên từ năm 2014, chuỗi The Coffee House nhanh chóng phát triển và mở rộng tại TP HCM. Tốc độ mở chi nhánh của chuỗi này được giới kinh doanh F&B đánh giá là thần tốc, đặc biệt trong giai đoạn 2017-2018 khi The Coffee House thực hiện tham vọng: "Ai cũng có 1 The Coffee House gần nhà". Sau 4 năm, thương hiệu này chính thức Bắc tiến với dấu mốc cửa hàng thứ 100 đặt tại Hà Nội.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí đầu năm 2018, cựu CEO Nguyễn Hải Ninh cho biết tham vọng của The Coffee House là tốc độ mở rộng chuỗi năm sau cao gấp đôi năm trước. 

Mục tiêu đến cuối năm 2018 phải có 160 cửa hàng, kết thúc năm 2019 phải đạt con số 400 điểm kinh doanh. Nguyễn Hải Ninh cho rằng thương hiệu vẫn đang bùng nổ và chưa có ý định dừng mở chuỗi, tham vọng 5-10 năm tới, The Coffee House sẽ cán mốc 2.000 cửa hàng.

Tuy nhiên, đến nay The Coffee House dường như bất động trong việc mở chuỗi, thực tế, việc bất động này đã xảy ra trước đại dịch COVID-19. Theo thống kê, đến nay, tổng số cửa hàng thuộc The Coffee House trên cả nước chỉ mới dừng lại ở con số hơn 150, số cửa hàng tại TP HCM chiếm hơn một nửa.

Như vậy, so với tham vọng của cựu CEO Nguyễn Hải Ninh, The Coffee House thậm chí chưa thể hoàn thành được mục tiêu của 2 năm trước và còn cách rất xa tham vọng 2.000 cửa hàng trong 5-10 năm.

Hay với Trung Nguyên, trong khi nhiều cửa hàng bị Highlands Coffee, The Coffee House thế chân và những lùm xùm về phân chia tài sản trong vụ li hôn của vợ chồng nhà sáng lập khiến tốc độ mở rộng chuỗi cà phê năng lượng chậm lại, thì "ông lớn" này đã tính toán đến mô hình nhượng quyền Trung Nguyên E-Coffee.

Ra mắt hồi tháng 8/2019, tham vọng của Trung Nguyên cho chuỗi nhượng quyền đến hết năm nay sẽ cán mốc 3.000 cửa hàng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây, Trung Nguyên cho biết số lượng cửa hàng E-Coffee chỉ mới đạt hơn 1.000 điểm, dù nhượng quyền thần tốc nhưng cũng chỉ mới hoàn thành 1/3 tham vọng.

Không chỉ Trung Nguyên, King Coffee của vợ "Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ - bà Lê Hoàng Diệp Thảo, cũng đặt tham vọng lớn khi đưa chuỗi này về Việt Nam. Bà Thảo cho biết năm nay, King Coffee sẽ mở thêm 120 cửa hàng và mục tiêu 5-10 năm, sẽ có 1.000 cửa hàng cà phê, bao gồm nhượng quyền.

Tuy nhiên, đến nay, số lượng cửa hàng King Coffee trên cả nước chỉ mới dừng lại ở con số 50 và theo kế hoạch, bà Thảo còn khoảng nửa năm để mở mới 120 cửa hàng, tương đương trung bình mỗi tháng khoảng 20 cửa hàng mới. 

Gã khổng lồ Highlands Coffee cũng chưa thể thành công

Riêng Highlands Coffee, chuỗi này đang thực sự là "gã khổng lồ" khi sở hữu số lượng cửa hàng phê lớn nhất tại Việt Nam và không bị đối thủ nào soán ngôi nhiều năm qua. Hiện số điểm kinh doanh của Highlands Coffee lên đến hàng trăm cửa hàng và gần như dày đặc tại TP HCM và Hà Nội.

Highlands Coffee đang có mặt nhiều nhất tại TP HCM, với hơn 100 cửa hàng, phủ rộng khắp các quận huyện. Đáng chú ý, tại khu vực trung tâm quận 1, nếu lấy mốc tại cửa hàng mới mở nằm trên đường Lê Duẩn, cách Nhà thờ Đức Bà khoảng 200 mét thì trong bán kính 1-2 km, có khoảng 20 cửa hàng Highlands vây kín khu vực này.

Dù tập trung với mật độ dày đặc nhưng các cửa hàng của Highlands Coffee không lúc nào vắng khách, ban ngày là dân văn phòng và tối là nơi tụ họp cà phê của giới trẻ.

Tuy dẫn đầu về số lượng cửa hàng, luôn đông đúc khách nhưng "gã khổng lồ" này dường như vẫn chưa đạt được tham vọng đã đặt ra.

DealStreetAsia từng cho biết ông chủ của Highlands Coffee đã lên kế hoạch niêm yết chuỗi cà phê này tại thị trường chứng khoán Việt Nam, qui mô và giá trị của đợt IPO không được tiết lộ. 

Theo kế hoạch, Highlands Coffee được niêm yết trước hoặc trong tháng 7/2019, tuy nhiên, năm ngoái, ông chủ Highlands đã có báo cáo gửi nhà chức trách về việc niêm yết không thể diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ phải đánh giá lại hiệu quả. 

Cho đến nay, sau đúng 1 năm, vẫn chưa có bất kì thông tin nào liên quan đợt IPO của chuỗi cà phê này.

"Liên minh" các ông bầu bóng đá hay đại gia sữa Vinamilk đặt chân vào kinh doanh chuỗi cà phê với nhiều tham vọng, tuy nhiên, nhìn lại những người cũ như Trung Nguyên, Highlands Coffee, The Coffee House… đây là những tên tuổi rất nổi, nhiều kinh nghiệm nhưng "miếng bánh" này dường như không dễ ăn.

Phúc Minh