Giá cả nông nghiệp trên toàn cầu bao gồm các nguyên liệu thô dùng để sản xuất các sản phẩm từ chocolate cho đến áo quần, đang phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy giảm do tác động của đại dịch Covid-19. Đợt tăng giá này được hỗ trợ bởi các hạn chế nguồn cung và niềm tin của giới đầu tư cho rằng đà phục hồi của nền kinh tê toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng.
Giá cả hàng hóa mềm (soft commodity), tức các loại nông sản được nuôi, trồng như cacao, cà phê, bông vải trên Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) đã bật tăng trở lại từ các mức thấp hồi đầu năm nay. Giờ đây, các mặt hàng này nằm trong danh mục nông sản có mức tăng giá tốt nhất.
Chỉ riêng trong tháng qua, giá cacao tương lai đã tăng 17% lên 2.488 đô la Mỹ/tấn, trong khi đó, giá cà phê Arabica tương lai cũng tăng 14% lên 1,12 đô la/pound (0,45kg). Các hợp đồng tương lai của cotton và đường cũng tăng lần lượt 10% và 19% kể từ đầu tháng 5.
Đà tăng giá đồng loạt đó đánh dấu sự đảo ngược tinh trạng giảm giá sâu trên thị trường hàng hóa mềm khi hàng loạt lệnh giãn cách được áp đặt trên khắp thế giới. Hồi tháng 3, giá hợp đồng tương lai của cacao, bông vải, đường lần lượt giảm đến 17%, 18% và 27%. Sau khi giảm mạnh kể từ tháng 1, giá cà phê Arabica phục hồi ngắn ngủi vào cuối tháng 3 rồi sau đó giảm 15% trong giai đoạn đầu tháng 3 cho đến cuối tháng 5.
Một động lực quan trọng đằng sau đợt tăng giá đồng loạt hiếm khi xảy ra trên thị trường hàng hóa mềm là đại dịch Covid-19 vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng ở các quốc gia sản xuất các loại nông sản này.
Joshua Graves, nhà chiến lược thị trường ở Công ty RJO Futures, cho rằng tình hình chung hiện nay là các nước như Việt Nam, Brazil, Ấn Độ vẫn chứng kiến dịch Covid-19 hoành hành và giới đầu tư lo ngại tình trạng này sẽ kìm hãm nguồn cung.
Brazil là nhà xuất khẩu cà phê và đường hàng đầu thế giới. Nước này sản xuất đến 59 triệu bao cà phê 60kg và 647 triệu tấn mía trong năm 2019, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Ấn Độ sản xuất gần 350 triệu tấn mía và gần 6,3 triệu tấn cotton vào năm ngoái.
Giới chức Brazil cảnh báo dù cảng lớn nhất của nước này ở Santos, bang São Paulo, đã xử lý số lượng hàng hóa kỷ lục trong năm nay nay nhưng mức tăng 11% hàng hóa qua cảng này chủ yếu nhờ nhu cầu mua đậu nành của Trung Quốc. Họ dự báo đại dịch Covid-19 rốt cục sẽ làm giảm khối lượng hàng hóa được xử lý ở cảng Santos.
Fernando Biral, Chủ tịch Cơ quan quản lý cảng Santos, nói hồi tháng 6: “Các con số mà cảng Santos cung cấp không phản ảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và viễn cảnh sẽ thay đổi trong những tháng tới để cho thấy tác động của đại dịch Covid-19 đối với số loại hàng hóa”.
Các hạn chế về nguồn cung hàng hóa đã diễn ra đúng như dự báo của giới đầu tư, trong khi đó, nhu cầu, vốn bị dồn nén trong thời kỳ phong tỏa, đang bung ra ở các nước đang chứng kiến đà phục hồi kinh tế tiếp diễn. Điều này sẽ khiến giá các hợp đồng tương lai của hàng hóa mềm thậm chí còn tăng cao hơn nữa.
“Giá cà phê đang tăng mạnh do ách tắc ở chuỗi cung ứng vì tác động của đại dịch Covid-19. Kết hợp với nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng lên đối với những người dân đang mắc kẹt ở nhà, bạn sẽ có được một công thức tạo ra nhu cầu mạnh mẽ dù sức tiêu thụ cà phê đang giảm ở các chuỗi cà phê như Starbucks và Dunkin' Donuts”, Barani Krishnan, nhà phân tích hàng hóa ở Investing.com, nói.
Đà suy yếu của đồng đô la Mỹ là một yếu tố khác nâng đỡ hàng hóa mềm. Khi đồng đô la giảm giá, các nước nhập khẩu sẽ mua được hàng hóa nguyên liệu từ Mỹ với giá rẻ hơn. Chỉ số đồng đô la (DXY), đo lường diễn biến giá đô la so với sáu ngoại tệ mạnh khác, vừa trải qua tháng giảm điểm mạnh nhất trong gần một thập kỷ, buộc giới đầu tư phải đóng bớt các vị thế bán khống hợp đồng hàng hóa tương lai.
Các nhà đầu tư bao gồm các quỹ phòng hộ đã giảm các vị thế bán khống ở nhiều hàng hóa mềm trong tuần kết thúc vào ngày 4-8, theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hợp đồng hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC). Các vị thế bán khống hợp đồng đường tương lại giảm gần 10.000 hợp đồng, trong khi đó, số vị thế bán khống ở cacao và cà phê lần lượt giảm hơn 7.000 và hơn 19.000 hợp đồng.
Đó là tuần thứ hai liên tiếp CFTC ghi nhận số lượng vị thế bán khống của các nhà đầu tư lớn giảm mạnh trên thị trường hàng hóa mềm để chuyển sang các vị thế mua vào và nắm giữ dài hạn. Điều này báo hiệu rằng giới đầu tư kỳ vọng giá cả hàng hóa mềm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.