Nhiều người mạnh tay vung tiền đầu tư, trang trí nhưng quên mất chi phí duy trì quán là rất quan trọng.

Đề tài mở quán cà phê khởi nghiệp được nhiều người quan tâm. Nguyên nhân chính là bởi số lượng khách tiềm năng rất lớn. Dù cây cà phê du nhập bởi người Pháp chỉ vài trăm năm, nhưng người Việt có thói quen uống cà phê không chỉ vào buổi sáng mà bất kể thời gian nào trong ngày dù cho đó là buổi trưa, buổi chiều, buổi tối.

Cứ gặp nhau là họ kéo đi uống cà phê, hoặc lời nhắn tới người quen đã lâu không gặp cũng là: "Ê, hôm nào rảnh đi uống cà phê". Thanh niên, người già... đều uống được cà phê. Như vậy rõ ràng lượng khách tồn tại là rất lớn, khiến ai cũng nghĩ trăm người bán, vạn người mua, cứ mở đi lo gì không có khách.

Nhưng bằng kinh nghiệm của một người bán cà phê hơn chục năm. Tôi muốn chia sẻ hai điều như sau:

Thứ nhất là mặt bằng. Vị trí của mặt bằng quyết định số lượng và phân loại khách hàng. Muốn mở quán ở một địa điểm nào đó, tôi có lời khuyên là nên dành ra tối thiểu một tháng để nghiên cứu. Phân loại được khách hàng sẽ quyết định phương hướng kinh doanh của quán.

Ở một con đường mà nhiều nhân viên văn phòng đi làm vào buổi sáng chạy ngang, cần ưu tiên bán mang đi. Có thể làm thêm một quầy nhỏ phía trước, trang trí cho bắt mắt và bố trí 2,3 nhân viên phục vụ tận xe cho khách. Ở khu vực có nhiều công ty, văn phòng, cần đầu tư trang trí quán theo phong cách sang trọng, nền nã. Đồ uống phải ngon, vì nhiều người sẽ hẹn người quen, đối tác đến gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi công việc ở quán cà phê cho thoải mái chứ không đến văn phòng.

Nếu bạn chọn mặt bằng ở chỗ có nhiều sinh viên, dân văn phòng, người làm freelancer thì phải biết rằng họ đến quán bạn uống cà phê chỉ là thứ yếu, mục đích chính là tìm nơi làm việc. Như vậy bạn cần sắp xếp, bố trí số lượng bàn ghế, ổ cắm điện nhiều hơn, wifi nhanh hơn.

Nhiều người thấy khách ngồi lâu thì sợ, nhưng không biết rằng họ là những con chim mồi câu khách cho mình. Vậy bạn phải tận dụng triệt để những vị chim mồi này: bán thêm đồ ăn, bánh mì, mì gói...

Nếu ở khu dân cư, nhiều người già, thì họ sẽ thích quán có phong cách truyền thống. Chỉ vài cái ghế xúp, bộ cờ tướng... là có thể câu khách được mỗi ngày. Nhưng ở những nơi có nhiều thanh niên thì cần chú trọng trang trí quán hiện đại, trẻ trung, bắt kịp xu hướng hơn.

Thứ hai là việc lãng phí tiền vào những thứ không cần thiết. Quán cà phê đầu tiên của tôi thất bại do lấy tiền đầu tư vào những thứ rườm rà, không cần thiết khiến cho số tiền còn lại để dự phòng không đủ.

Tôi thuê một mặt bằng với diện tích lớn trong 5 năm. Dù đã đàn phán với chủ đất về số tiền cọc và cách trả tiền thuê mỗi quý một lần nhưng vẫn khiến tôi không có tiền xoay sở. Đây cũng là bệnh chung của nhiều người khi mới mở quán lần đầu.

Nhiều người mạnh tay bỏ nhiều tiền cho chi phí đầu tư như mặt bằng, trang trí nhưng chi phí để duy trì thì không có nhiều. Điều này sẽ khiến hụt hơi và phá sản.

Mở quán cũng như làm trang web. Không phải cứ mở là khách sẽ đến hay cứ đưa web lên internet thì người dùng sẽ tự tìm đến web của bạn. Cần thời gian vài tháng để duy trì và câu kéo traffic. Nếu mạnh tay chi nhiều vào những thứ linh tinh không cần thiết, đến khi đi vào hoạt động, bạn sẽ chẳng còn tiền để mua nguyên liệu, trả tiền mặt bằng hoặc trả lương nhân viên.