Xuất khẩu cà phê của Brazil trong năm 2020 - 2021 dự kiến đạt 41 triệu bao, được hỗ trợ bởi sản xuất lớn và khả năng cạnh tranh cao do đồng real mất giá đáng kể.
Tiêu thụ
Tiêu thụ cà phê tại thị trường nội địa trong năm 2020 - 2021 dự kiến không đổi ở mức 23,53 triệu bao (gồm 22,35 triệu bao cà phê rang và 1,18 triệu bao cà phê hòa tan).
Mặc dù GDP của Brazil dự kiến giảm 4% trong năm 2020, tiêu thụ cà phê tại các hộ gia đình vẫn ổn định.
Hiệp hội Công nghiệp Cà phê Brazil (ABIC) ước tính 97% hộ gia đình Brazil uống cà phê mỗi ngày. Hiệp hội hi vọng rằng sự gia tăng tiêu dùng tại hộ gia đình sẽ bù đắp cho những thiếu hụt trong tiêu thụ ngoài hộ với việc đóng cửa tạm thời các cửa hàng cà phê (ước tính khoảng 10.000 đơn vị), khách sạn, quán bar.
Thương mại
ATO dự báo tổng xuất khẩu cà phê của Brazil trong năm 2020 - 2021 ở mức 41,02 do nguồn cung cà phê cao hơn, đạt mức kỉ lục tương đương với năm 2018 - 2019.
Xuất khẩu cà phê xanh dự báo ở mức 37 triệu bao trong khi xuất khẩu cà phê hòa tan ước tính đạt 4 triệu bao. Đồng real bị mất giá đáng kể so với đồng USD, góp phần mang lại khả năng cạnh tranh cao cho cà phê Brazil trên thị trường toàn cầu.
Xuất khẩu cà phê trong năm 2019 - 2020 dự kiến đạt khoảng 36,62 triệu bao. Ước tính này dựa trên khối lượng xuất khẩu từ đầu năm đến nay và lượng xuất khẩu dự kiến trong tháng 5 và tháng 6. Xuất khẩu cà phê xanh dự kiến đạt 32,7 triệu bao trong khi xuất khẩu cà phê hòa tan ở mức 3,9 triệu bao.
Theo thống kê của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) công bố trong tháng 4, tổng lượng tiêu thụ cà phê thế giới trong năm 2019 - 2020 dự kiến ở mức 166,06 triệu bao, tăng 789.000 bao so với năm ngoái với sản lượng từ Brazil chiếm khoảng 1/3 tổng xuất khẩu thế giới.
ICO gần đây cũng đã đưa ra một đánh giá sơ bộ về tác động của dịch bệnh đối với nhu cầu, đặc biệt là tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với tiêu thụ cà phê. Phân tích này dựa trên 20 quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu, chiếm 70% nhu cầu toàn cầu trong giai đoạn 1990 - 2018.
Kết quả cho thấy tăng trưởng GDP giảm 1% có thể khiến nhu cầu cà phê toàn cầu giảm 0,95%, tương đương 1,6 triệu bao, chủ yếu là do các biện pháp giãn cách xã hội khiến nhu cầu ngoài hộ gia đình trì trệ.
Hội đồng xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE) báo cáo việc xuất khẩu hàng hóa từ Brazil vẫn ổn định tính đến thời điểm hiện tại, nhưng các hãng vận chuyển đã thông báo rằng tình trạng thiếu container có thể xảy ra trong những tháng tới khi Brazil dự kiến sẽ thu hoạch một vụ mùa với sản lượng kỉ lục.
Các nhà nhập khẩu cà phê ở một số quốc gia tiêu thụ hàng đầu đang gia tăng dự trữ, đặt hàng trước tới một tháng để tránh thiếu hụt nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Về chính sách thương mại, Liên minh châu Âu (EU) - thị trường chính của cà phê Brazil - gần đây đã cảnh báo nước này về qui định Mức dư lượng tối đa (MRL) chặt chẽ hơn.
MRL có liên quan đến Chlorpyrifos, một loại chất hóa học được sử dụng để kiểm soát bệnh sâu đục thân và sâu ăn lá. EU sẽ không chấp nhận nồng độ Chlorpyrifos quá 0,01 mg/kg trong khi cà phê Brazil có MRL tới 0,05 mg/kg.
Do đó, người dân sẽ phải sử dụng các biện pháp thay thế nhằm tránh các vấn đề thương mại khi xuất khẩu sang EU.
Theo báo cáo của CECAFE và Hiệp hội cà phê hòa tan Brazil (ABICS), tổng xuất khẩu cà phê từ tháng 7/2019 đến tháng 4/2020 đạt 31,07 triệu bao, giảm 3,37 triệu bao so với 34,44 triệu bao trong cùng kì năm ngoái, phản ánh các qui tắc xuất khẩu chặt chẽ hơn.
Dự trữ
ATO dự báo tổng dự trữ cuối năm 2020 - 2021 là 4,79 triệu bao, tăng 3,41 triệu bao do nguồn cung cà phê dự kiến cao hơn.
Kết quả cuộc khảo sát thuộc do Công ty phân phối thực phẩm quốc gia của Brazil (CONAB) chưa được công bố, gồm khảo sát lượng dự trữ nắm giữ bởi người trồng, hợp tác xã, nhà xuất khẩu, nhà rang xay và nhà chế biến cà phê hòa tan tính đến ngày 31/3. Dự trữ của chính phủ gần như bằng không.
Chính sách
Chính phủ Brazil gần đây đã phân bổ 5,71 tỉ real để hỗ trợ cho ngành cà phê trong vụ mùa 2020 - 2021, giúp các nguồn lực sẵn có tăng gần 13% so với mùa trước. Khoản vốn này được sử dụng cho việc quản lí cây trồng, thu hoạch và thương mại.