Theo The ASEAN Post, cà phê đang nhanh chóng phát triển thành một mặt hàng có tính bền vững cao hơn do nhu cầu của người tiêu dùng và những cam kết của nông dân trên thế giới. Nhờ sự phổ biến mà cà phê trở thành một mặt hàng quan trọng đối với các nước Đông Nam Á, có giá trị xuất khẩu đạt 6,2 tỉ USD, tương đương 16% sản lượng xuất khẩu cà phê thế giới.
Công ty cà phê nhượng quyền có trụ sở tại Seattle - Starbucks - đã mở cửa hàng lớn nhất ở Đông Nam Á - Starbucks Dewata Coffee Sanctuary, hợp tác với PT Sari Coffee Indonesia.
Cửa hàng này giúp củng cố thêm vai trò của Indonesia - khu vực trồng cà phê arabica lớn thứ tư thế giới và mang đến cho khách hàng Starbucks những loại cà phê chất lượng cao nhất.
Cà phê có nguồn gốc từ Sumatran là nguồn cung cấp chính của Starbucks từ năm 1971.
Cà phê có vị hơi chua và chứa hàm lượng caffeine kích thích khiến nó trở thành một trong những đồ uống phổ biến nhất trên thế giới.
Nhờ đó mà cà phê trở thành một mặt hàng quan trọng đối với các nước Đông Nam Á, có giá trị xuất khẩu đạt 6,2 tỉ USD, tương đương 16% sản lượng xuất khẩu cà phê thế giới.
Năm 2017, Indonesia và Việt Nam là hai quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, đóng góp lần lượt 18% và 6% vào sản lượng toàn cầu.
Xuất khẩu cà phê khu vực Đông Nam Á
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới và lớn nhất ở Đông Nam Á.
Trong năm 2017, tổng cộng 29,5 triệu bao cà phê 60 kg đã được sản xuất, chủ yếu là cà phê robusta và arabica. Hai loại cà phê này cùng với liberica và excelsa là bốn loại cà phê chính được giao dịch.
Cà phê robusta có năng suất cao hơn arabica mặc dù arabica chiếm khoảng 75% sản lượng toàn cầu.
Theo Báo cáo ASEAN 2018, các chuỗi cà phê nội địa của Việt Nam như Trung Nguyên, Phúc Long và Highlands phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty cà phê nhượng quyền chuyên nghiệp như Starbucks.
Tuy nhiên, sản phẩm truyền thống của các thương hiệu trong nước vẫn phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt Nam.
Cà phê 'kopi luwak' của Indonesia vẫn là loại cà phê đắt nhất thế giới. Kopi luwak được làm từ những hạt cà phê do loài cầy hương châu Á ăn vào, tiêu hóa và thải ra, giá có thể lên tới 700 USD/kg.
Tổng xuất khẩu cà phê của Indonesia niên vụ 2018 - 2019 là 7,2 triệu bao.
Mặc dù Lào được coi là nhà sản xuất cà phê lớn thứ ba ở Đông Nam Á, nhưng quốc gia này còn được biết đến nhiều hơn nhờ sản xuất hạt cà phê arabica chất lượng cao.
Năm 2017, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết tổng sản lượng cà phê ở Lào đạt mức 475.000 bao 60 kg. Tuy nhiên, người Lào lại thích uống cà phê hòa tan.
Trong khu vực Đông Nam Á, cà phê hòa tan vẫn phổ biến hơn do giá rẻ và sự tiện lợi.
Thị trường Malaysia bị chi phối bởi cà phê hòa tan do nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm có hương vị. Mức tăng trưởng trung bình hàng năm của doanh số bán cà phê hòa tan ở Malaysia đã dao động 8 - 10%.
Thương mại công bằng (Fairtrade)
Cà phê đang nhanh chóng phát triển thành một mặt hàng có tính bền vững cao hơn do nhu cầu của người tiêu dùng và những cam kết của nông dân trên thế giới.
Fairtrade cũng đang thúc đẩy những thay đổi tích cực trong ngành cà phê bằng cách cho phép các nhà sản xuất giành quyền kiểm soát đối với chuỗi cung ứng của họ.
Dựa trên báo cáo giám sát năm 2016 của Fairtrade Foundation, các nhà sản xuất cà phê Việt Nam tại Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết hiện đang chế biến và thương mại hóa cà phê họ sản xuất.
Theo Tổ chức Thương mại Công bằng Thế giới (WFTO), Fairtrade là một đối tác thương mại, dựa trên đối thoại, minh bạch và tôn trọng, tìm kiếm sự công bằng hơn trong thương mại quốc tế.
Nhiều loại cà phê nổi tiếng và được săn đón nhất của Indonesia, như cà phê Sumatran và Sulawesi, được sản xuất tại các trang trại nhỏ.
Fairtrade Foundation tuyên bố có 25 hợp tác xã cà phê được chứng nhận Thương mại công bằng ở Indonesia, với 98% trong số đó cũng được chứng nhận hữu cơ.
Ở Bắc Sumatra, nông dân trồng xen canh cà phê hữu cơ với cây ăn quả, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa mang lại hiệu quả môi trường, cũng làm tăng hương vị của cà phê.
Starbucks đã làm việc với nông dân Indonesia để sản xuất hạt cà phê chất lượng cao và bền vững.
Vào năm 2015, Starbucks đã mở Trung tâm hỗ trợ nông dân ở Berastagi, phía Bắc Sumatra, nơi các nhà nông học Starbucks do Tiến sĩ Mawardi dẫn đầu, tiến hành nghiên cứu phát triển các biến thể hạt cà phê để biến cà phê thành sản phẩm nông nghiệp bền vững đầu tiên trên thế giới.
Trong khi đó ở Việt Nam, nếu như trước đây, người nông dân trồng cà phê thường dựa vào việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để tăng năng suất và sản lượng thì giờ đây, họ đang tiến gần hơn đến các biện pháp hữu cơ, với mục tiêu hướng tới chứng nhận hữu cơ.
Ông Phan Minh Thông, chủ tịch của Công ty Cổ phần Phúc Sinh, công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu tại Việt Nam cho biết nước ta đã sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn của UTZ, Fairtrade và 4C trong nhiều năm nay.
Vai trò của phụ nữ trong ngành cà phê
Theo báo cáo năm 2019 của USAID về 'Vai trò của phụ nữ trong ngành cà phê', nữ giới tham gia ít nhất một nửa công việc tại các trang trại cà phê trong khu vực nhưng sự hạn chế về tầm nhìn làm giảm đáng kể vai trò của họ trong ngành này.
Ở Việt Nam, phụ nữ lãnh đạo ít nhất một nửa số công ty thương mại trong nước, nhưng vai trò thường bị che khuất.
"Trong một số doanh nghiệp có lãnh đạo là nam giới, phụ nữ là người đàm phán với nông dân và người mua do khả năng đàm phán của họ tốt hơn", bà Đỗ Thị Quỳnh, giám đốc mảng cung ứng của công ty Volcafe Việt Nam nhận định.
Indonesia - đất nước mà phụ nữ nắm quyền lãnh đạo 22% số hợp tác xã - đã xuất khẩu cà phê đạt giá trị 1,7 tỉ USD trong năm 2017.
Phụ nữ ở Koperasi Kopi Wanita Gayo (KKWG), một tổ chức trồng cà phê có trụ sở ở vùng nông thôn Aceh, Indonesia cho biết việc trở thành một phần của tổ chức cà phê được chứng nhận Fairtrade là cơ hội thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, quyền sở hữu đất đai trong nước vẫn là một thách thức đối với họ.