Dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cà phê khi mà cả nông dân và các nhà máy sản xuất rơi vào tình trạng thiếu lao động kéo dài, chi phí sản xuất tăng, cơ sở hạ tầng xuống cấp và cam kết từ khách hàng giảm.

Đây là kết luận trong báo cáo của Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO) khi thực hiện cuộc khảo sát với đại diện của 16 quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, chiếm 85% sản lượng cà phê toàn cầu.

Đa số đại diện các quốc gia cho rằng dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu, tuy nhiên họ không rõ công suất sản xuất quốc gia bị ảnh hưởng như thế nào trong sáu đến mười hai tháng tới.

Hơn nữa, phần lớn những người được hỏi cho rằng thu nhập của những hộ gia đình trồng cà phê giảm dần, thiếu nhân công dẫn tới lao động trẻ em tăng lên và nhu cầu biến động do tiêu thụ trong nước giảm mạnh và khách hàng quốc tế né tránh hợp đồng mới, theo phân tích của ICO.

Tình trạng trên xảy ra khi giá cà phê toàn cầu vẫn ở mức khủng hoảng, thường không đáp ứng được chi phí sản xuất ở các trang trại trong khi nhiều loại tiền tệ ngày càng giảm so với USD Mỹ.

Theo báo cáo này, giá cà phê Arabica tương lai giao dịch tại ICE cho các hợp đồng tháng 9 là 1,03 USD/kg.

Giá cà phê Arabica tương lai giao dịch tại ICE trong 10 năm qua. Theo Macrotrends

Báo cáo của ICO là phần thứ ba trong loạt bài mà tổ chức này đã công bố về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thị trường và các nhà sản xuất cà phê trên thế giới.

Tháng 4, ICO đã phân tích làm thế nào một cuộc suy thoái có thể ảnh hưởng đến nhu cầu cà phê toàn cầu.

Tháng trước, tổ chức đã ghi nhận sự biến động giá cả trên thị trường cà phê, đồng thời cảnh báo về những ảnh hưởng có thể có đối với những người dễ bị tổn thương nhất trong chuỗi nguồn cung cà phê.

Báo cáo này ghi lại ý kiến của đại diện các nước xuất khẩu trong giai đoạn khảo sát từ ngày 20/5 đến ngày 1/6, cho thấy một viễn cảnh không mấy sáng sủa về ngành cà phê hiện tại và lâu dài khi đại dịch COVID-19 tiếp diễn, đe dọa khả năng phục hồi của các nhà sản xuất cà phê.

Một trong những hạn chế phổ biến nhất của các nhà sản xuất cà phê kể từ tháng 3 là lo ngại về các yêu cầu giãn cách xã hội và hạn chế đi lại có thể ảnh hưởng đến sự sẵn có của lao động nông trại, đặc biệt là các nông trại phần lớn phụ thuộc vào nhóm lao động nhập cư.

Đại diện các nước xuất khẩu cho biết dịch COVID-19 cũng gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển cũng như tăng chi phí giao dịch.

ICO cho hay dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, tổng doanh thu, tiêu thụ nội địa và sản lượng xuất khẩu.

Mức độ ảnh hưởng của ngành cà phê do dịch COVID-19. Việt HÓA: Đức Quỳnh

Tại thời điểm khảo sát, tác động của dịch Covid-19 đến sản lượng cà phê vẫn còn mơ hồ do 2/3 nước được hỏi đều trả lời là chưa thấy tác động của đại dịch đến sản lượng cà phê.

Những tác động này có thể rõ ràng hơn trong những tháng còn lại của năm 2020, khi mà các quốc gia bước vào mùa thu hoạch hoặc hạn chế thanh khoản ở mức độ nông trại dẫn đến sản lượng giảm.

Mặc dù chi phí sản xuất và các khoản chi thực phẩm, sức khỏe tăng lên nhưng hơn 70% các quốc gia sản xuất cà phê cho biết thu nhập từ cà phê và các hoạt động sản xuất khác giảm xuống.

Điều này cùng với việc thiếu hụt lao động thời vụ có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực.

Theo ICO “những khó khăn này có thể dẫn đến việc giảm các khoản đầu tư vào sản xuất lâu dài và khả năng phục hồi khí hậu. Thậm chí có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng lao động trẻ em”.

Tuy nhiên quá trình chế biến và xay xát cà phê được dự đoán là không ảnh hưởng nhiều từ dịch COVID-19, dự đoán sẽ được cải thiện trong sáu tháng tới. 

Trong khi đại diện các quốc gia cho biết chính phủ các nước này đang nỗ lực khôi phục lại ngành cà phê đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch thì một vấn đề đáng lo khác chính là thái độ của người mua toàn cầu.

Theo báo cáo, 45% số người được hỏi cho hay các hợp đồng đã bị hủy bỏ hoặc thay đổi, nhấn mạnh tính rủi ro trong mua bán cà phê khiến các nhà sản xuất chịu thiệt thòi hơn người mua.