Colombia đang vào mùa thu hoạch cà phê (vụ mùa phụ trong năm, bắt đầu vào tháng Tư), song tình trạng khan hiếm nhân công thu hái cà phê ngày càng nghiêm trọng do các biện pháp cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Người trồng cà phê Colombia hiện được hưởng lợi từ sự mất giá của nội tệ đồng peso so với đồng USD khiến giá thu mua cà phê trên thị trường ở mức cao. Tình hình hiện nay hoàn toàn trái ngược với một năm trước, khi giá cà phê nội địa thậm chí không đủ để trang trải chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, vào thời điểm này ở khu vực miền Trung Colombia, nơi có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, các trang trại lớn đang gặp rắc rối vì thiếu nhân công thu hoạch cà phê.
Ông Gustavo Echeverry, chủ một trang trại trồng cà phê tại tỉnh Risaralda, miền Tây Trung Colombia, cho biết: "Cà phê hiện đang có giá cao nhưng chúng tôi không thể thu hoạch được, do khan hiếm nhân công và chi phí đắt đỏ". Trang trại cà phê của ông Echeverry cần ít nhất 60 nhân công mới kịp thời vụ, nhưng ông chỉ có thể thuê được khoảng 40 người.
Người trồng cà phê còn lo ngại nếu các biện pháp cách ly xã hội chống dịch Covid-19 kéo dài sang nửa cuối năm nay, họ sẽ không có đủ nhân công cho vụ thu hoạch chính từ tháng 10-12. Và khi những trái chín không được thu hái, chúng sẽ thu hút loài mọt đục quả cà phê, một trong những kẻ thù chính của loại cây trồng này.
Colombia áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 24/3, hai tuần sau khi xác nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. Tính đến ngày 24/5, quốc gia Nam Mỹ này có hơn 20.000 trường hợp mắc Covid-19, trong đó hơn 700 ca tử vong.
Theo Hiệp hội Người trồng Cà phê Quốc gia Colombia (FNC), sản lượng cà phê của nước này trong tháng 4/2020 giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 744.000 bao (1 bao = 60 kg). Lượng cà phê xuất khẩu của Colombia trong tháng 4/2020 chỉ đạt 592.000 bao, giảm 32% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Colombia đặt mục tiêu thu hoạch khoảng 14 triệu bao cà phê trong năm nay. Tuy nhiên, Chủ tịch FNC Roberto Vélez khẳng định trong cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 hiện nay, ưu tiên số 1 của hiệp hội là đảm bảo sức khỏe của người lao động.