Cà phê xuất hiện tại Anh vào thế kỷ 17, cùng lúc thời kỳ Khai sáng bùng nổ đã trở thành thức uống không thể thiếu của giới trí thức trong tiến trình định hình hệ thống tư tưởng của xã hội Anh bấy giờ.
Thức uống của thời kỳ Khai sáng
Cà phê bắt đầu được tiêu thụ tại Anh bởi một nhóm thiểu số có mối liên hệ với các thương nhân Levant. Ngay sau đó, thức uống này nhanh chóng được yêu thích bởi lợi ích khai mở tâm trí, và là chất xúc tác sáng tạo những ý tưởng mới. Giới trí thức Khai sáng thời kỳ này đã nhắc đến cà phê như thần dược cho não. Nhà cải cách Sydney Smith khẳng định: “Nếu bạn muốn cải thiện sự hiểu biết của mình, hãy uống một ly cà phê”.
Cùng với cà phê, hàng quán cà phê trở nên thịnh hành tại Anh với tên gọi “Penny Universities – Trường đại học một hào”. Nơi đây là không gian sáng tạo và quảng bá những tư tưởng tiến bộ, xóa tan lớp sương mù của giai đoạn “đêm trường Trung cổ” để tiến tới thời đại Khai sáng. Những nhà tư tưởng vĩ đại như Sydney Smith, Voltaire, David Hume,… đã chọn không gian hàng quán cà phê là nơi thuyết giảng, gặp gỡ và tranh luận với những trí thức khác một cách bình đẳng và dân chủ. Quán cà phê còn trở thành trung tâm thông tin đặc biệt khi những tờ báo in ra đời và trở nên phổ biến. Các ấn phẩm báo chí Khai sáng lần lượt được lưu hành tại đây nhằm phục vụ nhu cầu tiếp cận hệ tư tưởng và những sáng tạo mới của giới trí thức.
Tinh thần cải cách tự do của Sydney Smith thăng hoa từ quán cà phê
Bầu khí quyển trí thức trong xã hội cà phê tại Anh đã tác động mạnh mẽ tới Sydney Smith. Nơi hàng quán cà phê tại đại học Edinburgh, ông đã tiếp xúc với những tư tưởng khai sáng một cách chân thực nhất, đồng thời làm quen với những người bạn trong câu lạc bộ tranh luận triết học Francis Jeffrey, Francis Horner và Henry Brougham. Họ sau này đã trở thành những người đồng hành cùng ông trong việc thành lập tạp chí Edinburgh Review. Với phong cách phê phán trào phúng lối tư duy lỗi thời của thời đại cũ, cổ vũ vấn đề cải cách cấp thiết trong xã hội, tạp chí Edinburgh Review được coi là diễn ngôn của tư tưởng tự do tiêu biểu trong phong trào khai sáng tại Anh bấy giờ, đồng thời là biểu tượng của văn học mới.
Cũng trong giai đoạn này, Sydney Smith nhận thức được tác động của cà phê tới việc thăng hoa năng lực sáng tạo vô hạn của con người. Trong cuốn Hồi ký của mình, ông bày tỏ niềm yêu thích đặc biệt với “thức uống khai sáng” này. Ông miêu tả cà phê như một thức uống không thể thiếu mỗi khi ông sáng tác, nhờ thế, ông đã viết hơn 200 bài báo và những bài luận chống lại chế độ nô lệ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, phân tích các nguyên tắc kinh tế chính trị,…
Thông qua các hàng quán cà phê, những bài luận đắt giá của Sydney Smith như Thuế ở Anh trong cuộc cách mạng công nghiệp (Taxation in England during the indutrial revolution), Những lá thư gửi người anh trai Abraham còn sống (Letters of Peter Plymley to My Brother Abraham Who Lives),… trên tạp chí Edinburgh Review nhanh chóng được độc giả tiếp nhận và khơi dậy những cuộc bàn luận chuyển xoay thế sự. Ông trở thành một trong những nhà cải cách nổi tiếng thời kỳ này và được mời thuyết giảng tại các trường đại học Edinburgh, cộng đồng giáo hội Charlotte Street Chapel. Những buổi thuyết giảng của ông đều thu hút hàng trăm người tham gia bởi những tư tưởng cải cách mang tính tự do, dân chủ của ông đều rất cấp tiến, đáng quan tâm và phụng sự cho con đường khai phóng tư duy, đưa con người thoát ra những mê mụi của đêm trường Trung Cổ, tỉnh thức bước vào đời sống mới.
Có thể nói, cùng với sự phát triển của xã hội cà phê tại Anh, tư tưởng cải cách tự do của Sydney Smith như được thăng hoa và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng trí thức, quảng bá thành công những tư tưởng tiến bộ, góp phần định hình thế giới quan, nhân sinh quan của thời đại Khai sáng.