Đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, thương hiệu cà phê Trung Nguyên Legend của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã mở siêu thị cà phê trên Amazon và Alibaba. Đây được xem là cơ hội để cà phê Việt Nam tiếp cận với người tiêu dùng tại thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, Tập đoàn Trung Nguyên Legend của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã âm thầm mở siêu thị cà phê trên hai sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới: Amazon và Alibaba.

Giải thích cho bước tiến này, đại diện Trung Nguyên cho biết lập trang bán hàng trên các sàn quốc tế là cách thương hiệu này đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế và khẳng định vị thế thương hiệu cà phê Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng.

Thực chất, đây là phiên bản toàn cầu hoá của Thế giới cà phê, một trang thương mại điện tử mà tập đoàn này đã mở từ năm 2014. Đây là không gian trực tuyến cung ứng các sản phẩm cà phê Trung Nguyên , máy móc và thiết bị cà phê, nguyên phụ liệu pha chế,…

Chia sẻ với báo chí, đại diện Trung Nguyên Legend cho biết, việc mở hai siêu thị cà phê trực tuyến toàn cầu nhằm nắm bắt xu hướng phái sinh từ đại dịch COVID-19. Tập đoàn này xác định, đại dịch đang khiến hoạt động xuất khẩu đi xuống. Trong khi đó, thương mại điện tử, đặc biệt ở một số khu vực trên thế giới, phát triển rất mạnh bất chấp dịch bệnh.

Lãnh đạo Trung Nguyên cho biết, để hợp tác chính thức với Amazon, hai bên đã có nửa năm “tìm hiểu nhau”. Đây là cơ hội giúp ông Đặng Lê Nguyên Vũ tiếp cận với người tiêu dùng tại thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.

Trong thương vụ hợp tác này, Trung Nguyên sẽ có trách nhiệm chuẩn bị hàng hóa gửi cho Amazon, còn sàn thương mại điện tử này sẽ đảm nhiệm khâu bảo quản, bán hàng và giao hàng cho khách.

Đơn hàng đầu tiên mà Trung Nguyên cung cấp cho Amazon đang được hoàn tất thủ tục và sẽ giao tới kho sau 3 tuần lên tàu. Về giá cả, phía Trung Nguyên tiết lộ, tùy vào khu vực và quốc gia, Amazon sẽ niêm yết giá khác nhau.

Ví dụ, với cà phê G7 3 trong 1 gói 1,6kg, Amazon niêm yết giá cho khách hàng Việt Nam là gần 440.000 đồng. Trong khi đó nếu mua trên trang thương mại điện tử của riêng Trung Nguyên, khách hàng chỉ tốn 222.100 đồng cho gói cà phê tương tự, chưa tính khuyến mãi.

Với sàn thương mại điện tử Alibaba, Trung Nguyên chọn hình thức B2B để giao dịch sản phẩm. Theo đó, Alibaba kết nối các doanh nghiệp với nhau và các bên tự thỏa thuận giao dịch. Nếu giao dịch thành công, Alibaba sẽ giới thiệu đơn vận vận chuyển và thanh toán để 2 bên làm việc sao cho có lợi nhất.

Cà phê Trung Nguyên tấn công thị trường quốc tế qua Amazon và Alibaba

Cùng với việc chính thức khai trương siêu thị cà phê trên Amazon và Alibaba, Tập đoàn Trung Nguyên Legend cũng đẩy mạnh sự bao phủ rộng khắp trên các trang thương mại điện tử trong nước như Tiki, Shopee... Sự thay đổi, tập trung đầu tư cho mảng online này từng bước tạo nên một hệ thống mua sắm cà phê trực tuyến hoàn chỉnh cho Tập đoàn Trung Nguyên Legend.

Theo nghiên cứu gần đây của QandMe, ngành bán lẻ cà phê vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng về số lượng cửa hàng lên đến 74% trong giai đoạn 2018-2020. Hiện tại, tổng dung lượng của nhóm này đã sắp sửa cán mốc 900 cửa hàng, chỉ tính các cửa hàng thuộc chuỗi lớn.

TP.HCM và vùng phụ cận được đánh giá là động lực chính cho sự tăng trưởng này. Tại đây, Trung Nguyên đang xếp thứ 3 về mạng lưới cửa hàng, chỉ sau Highlands Coffee và The Coffee House.

Trong lúc cuộc đua bán hàng trực tiếp vẫn chưa có hồi kết, việc đánh mạnh thị trường trực tuyến được xem là bước đi khá khôn ngoan từ ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Thương hiệu này cũng đang tăng cường liên kết với các đối tác thứ ba như Grab, Now để đẩy mạnh doanh số bán hàng trực tuyến.

TẤT ĐẠT