Theo Tổng cục Hải quan ước tính, xuất khẩu cà phê tháng 6/2020 đạt 140 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 7,4% về trị giá so với tháng 5/2020, so với tháng 6/2019 giảm 3% về lượng và giảm 1,9% về trị giá.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê ước đạt 955 nghìn tấn, trị giá 1,609 tỷ USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
 
Giá xuất khẩu bình quân cà phê tháng 6/2020 ước đạt 1.693 USD/tấn, giảm 0,02% so với tháng 5/2020 nhưng tăng 1,1% so với tháng 6/2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt khoảng 1.685 USD/tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 5/2020 đạt 109,5 nghìn tấn, trị giá 158,12 triệu USD, giảm 14,5% về lượng và giảm 14,4% về trị giá so với tháng 5/2019. 
 

Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu cà phê Robusta tăng 4,9% về lượng và tăng 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 694,6 nghìn tấn, trị giá 1,029 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường tăng, gồm: Đức, Nhật Bản, An-giê-ri, Bỉ, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường giảm, như: Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Nga, Ma-lai-xi-a, Anh, Pháp.
 
Giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta tháng 5/2020 đạt 1.444 USD/tấn, tăng 0,04% so với tháng 5/2019. Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta đạt mức 1.482 USD/tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang thị trường Đức đạt 1.456 USD/tấn; Ý đạt 1.551 USD/tấn; Tây Ban Nha đạt 1.479 USD/tấn; Nhật Bản đạt1.526 USD/tấn.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta sang thị trường Hoa Kỳ tăng 0,1%, lên mức 1.462 USD/tấn; Ấn Độ tăng 0,2%, lên 1.364 USD/tấn; Ai Cập tăng 0,7%, lên mức 1.592 USD/tấn.

Cùng với Arabica, Robusta là dòng cà phê trồng phổ biến ở nước ta, nhất là khu vực vùng cao Tây Nguyên. Robusta cũng là giống cà phê xuất khẩu mũi nhọn của nước ta, đưa Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, trong đó đứng đầu thế giới và sản lượng Robusta.
 
Cây Robusta là dạng cây bụi kích thước lớn, độ cao khoảng 10m, phát triển tốt ở độ cao khoảng 0 – 800m so với mặt nước biển. Do đó, loại cây này rất phù hợp với điều kiện địa hình và khí hậu Việt Nam.
 
So với các giống cà phê khác, Robusta có khả năng chống các loại sâu bệnh rất tốt, năng suất cao, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, Robusta có đặc điểm là chịu hẹn, chịu lạnh kém, sản lượng không ổn định.
 
Cà phê Robusta được phát hiện đầu tiên ở khu vực Congo – nước Bỉ từ những năm 1800. Mặc dù phát hiện và đưa vào khu vực Đông Nam Á muộn, khoảng năm 1900 nhưng Robusta đã nhanh chóng được trồng phổ biến và đạt sản lượng cao.
 
Tới nay, sản lượng cà phê Robusta chiếm khoảng 30 – 40% tổng sản lượng cà phê trên thế giới và được trồng phổ biến tại khu vực Đông Nam Á, Trung và Tây Phi, Trung và Nam Mỹ.

Minh Anh