Ngay từ khi xuất hiện, cà phê đã được xem là nguồn năng lượng sáng tạo, giúp con người tỉnh thức. Và trong suốt diễn trình lịch sử, từ khởi nguyên cho đến khi thành mặt hàng thông dụng nhất thế giới, cà phê là thức uống không thể thiếu trong cuộc sống sáng tạo không ngừng của loài người, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của mỗi xã hội.

Món quà của thượng đế

Vào thế kỷ thứ 9, một cậu bé chăn dê ở vùng Kaffa thuộc lãnh thổ Ethiopia phát hiện đàn dê của mình sau khi ăn lá và quả của loài cây có hoa màu trắng, quả màu đỏ thì trở nên hưng phấn, chạy nhảy, hoạt động không biết mệt mỏi. Cậu bé tò mò nhai thử và cảm thấy tỉnh táo lạ thường. Quá kinh ngạc, cậu bé báo cho vị quản nhiệm ở một tu viện gần đó.

Vị tu sĩ sợ rằng đây là một thứ trái cấm của quỷ dữ nên lập tức vứt vào lò lửa. Thế nhưng, những quả màu đỏ kia cháy xém lại tỏa ra mùi thơm khiến tinh thần khoan khoái và tỉnh táo. Lúc này, vị tu sĩ tin rằng đây là món quà của Thượng đế ban tặng, và gọi thêm những tăng lữ khác đến. Họ đem hạt rang lên, giã nhỏ rồi pha vào nước uống để cùng hưởng thiên ân và bàn tán về những lời tiên tri vĩ đại có thể khai sáng trí khôn và giúp con người tỉnh táo thâu đêm suốt sáng. Vì đồi Kaffa là nơi đầu tiên phát hiện nên cây này được đặt tên là cây cà phê (caffe) và sau này tinh chất chiết xuất từ cà phê gọi là caffeine.

Trở thành hàng hóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế

Sau khi người Ethiopia tìm ra cà phê, thứ thức uống này được người Hồi Giáo Sufi coi như nguồn năng lượng giúp đầu óc tỉnh táo trong những buổi cầu nguyện nửa đêm. Cuối thế kỷ 15, những người hành hương đã mang cà phê đi khắp thế giới hồi giáo ở Ottoman, Ba Tư, Ai cập, Bắc Phi, biến nó thành một sản phẩm mang lại lợi ích kinh tế. Thế kỷ 16 – 17, nhân cà phê trở thành một mặt hàng xuất khẩu quan trọng góp phần thúc đẩy nền kinh tế đế chế Ottoman tăng trưởng cực thịnh.

Thiết lập không gian văn hóa mới

Với sự bành trướng của Đế quốc Ottoman, cà phê được ưa chuộng và phổ biến hơn. Giữa thế kỷ 16, quán cà phê đầu tiên được mở ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Những quán cà phê này được gọi là “Mekteb-i ‘irfan” – trường học tri thức với các hoạt động chia sẻ thông tin về đời sống xã hội, giáo dục, chính trị… Kể từ năm 1532, các quán cà phê phát triển nhanh chóng và hoạt động như những không gian văn hóa, cung cấp và phổ biến các ý tưởng mới.