Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, thị trường cà phê toàn cầu trong thời gian tới vẫn chịu sức ép giảm giá do nguồn cung dư thừa, nhu cầu thấp, tồn kho tăng cao.

Trong 10 ngày giữa tháng 6, giá cà phê giảm trở lại sau khi tăng trong 10 ngày đầu tháng 6.

Trên sàn giao dịch London, ngày 18/6, giá cà phê robusta giao kì hạn tháng 7 giảm 5,8% so với ngày 10/6, xuống còn 1.150 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 18/6 giá cà phê arabica giao kì hạn tháng 7, tháng 9 và tháng 3/2021 cùng giảm 1,6% so với ngày 10/6, xuống còn lần lượt 96,25 UScent/pound, 98,15 UScent/pound và 102,4 UScent/pound.

Vụ thu hoạch cà phê tại Việt Nam, Indonesia và Brazil thuận lợi nhờ thời tiết tốt. Theo Công ty tư vấn Safras và Mercado, Brazil đã tiêu thụ 34% sản lượng cà phê niên vụ 2020/2021 đang thu hoạch, tăng 6% so với niên vụ 2019/2020.

Brazil tiếp tục đẩy mạnh bán hàng vụ mới do tỷ giá đồng Real đang ở mức có lợi cho người bán. Ngoài ra, do lo ngại làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 tại Trung Quốc và Mỹ cũng gây áp lực lên thị trường cà phê toàn cầu.

Dự trữ cà phê tại Mỹ trong tháng 5/2020 tăng tháng thứ 2 liên tiếp do hầu hết các quán cà phê của nước này đang hoạt động trong tình trạng hạn chế hoặc vẫn bị đóng cửa hoàn toàn do phong tỏa.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020/2021 dự kiến sẽ đạt mức cao kỉ lục 176,1 triệu bao, tăng 9,1 triệu bao so với vụ 2019/2020 và vượt nhu cầu 6,4 triệu bao.

Dự kiến sản lượng cà phê của Brazil sẽ ở mức kỉ lục, bao gồm 48,6 triệu bao cà phê arabica và 20,1 triệu bao cà phê robusta. Tồn kho cà phê thế giới tăng lên mức cao nhất 6 năm, đạt 42 triệu bao (bao 60 kg).

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, tại các thị trường Châu Âu, Châu Á, trong khi các mặt hàng xuất khẩu khác ít nhiều chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì ở mức ổn định, tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân là sự lo ngại chuỗi cung ứng gián đoạn trong dịch, nhiều quốc gia có xu hướng tích trữ cà phê, đặc biệt là tại Châu Âu.

Nguồn cung cà phê toàn cầu được dự đoán sẽ chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt trong niên vụ mới do sự thay đổi hành vi người tiêu dùng đối với giãn cách xã hội.

Tháng 5, nhiều quốc gia tại Châu Âu, Châu Á đang dần tái mở cửa nền kinh tế, theo đó các quán cà phê, nhà hàng được hoạt động trở lại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ tăng lên.

Điều này cùng với thông tin các nước sản xuất cà phê tại Châu Phi đang gặp hán hạn nghiêm trọng được kỳ vọng sẽ khiến giá cà phê trên thị trường thế giới tăng trong thời gian tới.

H.Mĩ