Vừa qua, Tạp chí du lịch Wanderlust – Tạp chí chuyên về du lịch trải nghiệm, khám phá văn hóa hàng đầu thế giới của Anh quốc – xếp hạng tham quan Bảo tàng Thế giới Cà phê là 6/17 điều tốt nhất du khách nên làm khi tới Việt Nam bên cạnh tham quan Vịnh Hạ Long, Hội An, Sơn Đòong, Chợ tình Sapa, trải nghiệm thuyền trên sông Mê Kông,…

Theo Wanderlust, khi đến với thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, cùng những trải nghiệm thú vị tại Lễ hội Cà phê được tổ chức hai năm một lần, du khách đặc biệt được tìm hiểu cách thức pha chế nhiều loại cà phê, cũng như khám phá những điều chưa biết về văn hóa, lịch sử cà phê Việt Nam và thế giới tại Bảo tàng Thế giới Cà phê.

Bảo tàng Thế giới Cà phê: 6/17 điều tốt nhất khi tới Việt Nam

Wanderlust nhận định, Bảo tàng Thế giới Cà phê là một điểm đến đặc biệt cho du khách khi đến với Buôn Ma Thuột bởi “Trong thành phố, có rất nhiều điểm tham quan về cà phê, trong đó, du khách có thể tìm hiểu về ngành cà phê của Việt Nam và thế giới tại Bảo tàng Thế giới Cà phê”.

Không gian trưng bày hiện vật cà phê có chiều dài lịch sử hơn 3 thế kỉ

Được biết, Bảo tàng Thế giới Cà phê thuộc dự án Thành phố cà phê do Tập đoàn Trung Nguyên Legend xây dựng từ tháng 3/2018 và chính thức mở cửa đón khách từ 23/11/2018. Ngay từ khi mở cửa đón khách, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã đặc biệt thu hút du khách bởi kiến trúc độc đáo lấy cảm hứng từ Nhà dài - không gian quen thuộc đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên linh thiêng, được cách điệu thành những đường cong đa hình và uyển chuyển, giao thoa với nhau.

Biểu diễn nghệ thuật pha chế cà phê

Đặc biệt, được định hình là một bảo tàng sống về văn hóa cà phê lớn nhất, độc đáo nhất, đặc sắc nhất, Bảo tàng Thế giới Cà phê lưu giữ hơn 10.000 hiện vật liên quan đến ba nền văn minh cà phê tiêu biểu của thế giới có niên đại gần 3 thế kỷ. Đồng thời, Bảo tàng Thế giới Cà phê còn có tổ hợp các không gian trưng bày, không gian thưởng lãm cà phê, không gian thư viện ánh sáng,… kết nối nhau mang tính “Sống – Mở – Tương tác” làm thành điểm trình diễn và trải nghiệm các hoạt động Thân – Tâm – Trí đầy ấn tượng.

Du khách thích thú khám phá 3 nền văn minh cà phê tại Bảo tàng Thế giới Cà phê

Hơn nữa, với định hướng là một bảo tàng “sống”, Bảo tàng Thế giới Cà phê luôn có những hoạt động định kỳ hàng tuần dành cho cộng đồng, du khách và các triển lãm chuyên đề theo quý. Trong hơn 1 năm hoạt động, Bảo tàng Thế giới Cà phê tổ chức hơn 60 hoạt động văn hóa, tiêu biểu gồm các triển lãm chuyên đề về cà phê và các hoạt động bảo tồn, giới thiệu văn hóa cộng đồng bản địa, thế giới.

Hoạt động bảo tồn và giao lưu văn hóa Việt Nam và Inđonesia

Trong năm 2020, nhằm tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo kiến thức về cà phê, góp phần nâng cao vị thế của Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trên toàn cầu, cùng với triển lãm chuyên đề “Chiến binh tâm: Cà phê – Năng lượng của tinh thần chiến binh” đang diễn ra, Bảo tàng Thế giới Cà phê sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt các triển lãm chuyên đề như “Cà phê và sự quay về nguồn cội” (tháng 3/2020), “Cà phê và sự khai sáng nhân văn (tháng 6/2020), “Cà phê và sự giao thoa Đông Tây” (tháng 9/2020). Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật pha chế cà phê trên toàn cầu, cũng như các khóa đào tạo dài hạn về kỹ năng barista từ cơ bản đến chuyên nghiệp, hay các chương trình tọa đàm giáo dục cũng được Bảo tàng Thế giới Cà phê tổ chức thường xuyên.

Hoạt động văn hóa Tây Nguyên tại bảo tàng

Cùng những nỗ lực của Tập đoàn Trung Nguyên Legend, sự khác biệt, đặc biệt cùng ý nghĩa của Bảo tàng Thế giới Cà phê đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Chỉ sau hơn 1 năm mở cửa, được sự ủng hộ, đồng hành của các cơ quan ban ngành tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, các cơ quan thông tấn trong và ngoài nước, cũng như những người yêu và đam mê cà phê đã luôn ủng hộ mục tiêu hiện thực hóa xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê toàn cầu, góp phần nâng cao giá trị ngành cà phê Việt trên thế giới.

Phạm Tiệp