Cà phê là một loại đồ uống phổ biến trên thế giới. Ở châu Âu, không hề trồng cây cà phê nào, nhưng khắp châu Âu đều uống cà phê.
Theo lịch sử thì đế quốc Thổ nhĩ Kỳ đưa quân đi đánh chiếm nhiều nơi ở châu Âu, châu Á, châu Phi cho đến tận trước thế kỷ XVII. Khi tới châu Phi, binh lính Thổ gặp những rừng cây có quả nhỏ như đầu ngón tay với màu chín đỏ chót, đang lúc đói và mệt, họ ăn thử một vài quả. Lúc nếm thử có vị đắng, nhưng sau đó thấy không việc gì, họ tiếp tục ăn nhiều hơn. Qua một đêm, binh lính Thổ thấy đỡ mệt, những người bị thương thấy cơn đau dường như dịu đi. Rất ngạc nhiên về hiện tượng này, binh lính Thổ tìm hiểu loại cây kỳ diệu qua những thổ dân ở đó. Người Thổ phát âm loại cây này là KAHVE. Cà phê có nguồn gốc từ chữ đó.
Người Thổ đã nghĩ ra cách rang chín, giã nhỏ rồi mang theo người, khi cần thì pha nước sôi uống. Cho đến mãi sau này các nhà khoa học mới phát hiện những tác hại của hạt cà phê nếu sử dụng quá nhiều.
Khi chinh chiến ở châu Âu, người Thổ đã truyền bá cách uống cà phê sang châu Âu nhưng theo kiểu Thổ: cà phê rang chín, xay nhỏ, đổ nước sôi vào uống cả nước lẫn bã và thường không có đường. Cách uống đó trên thế giới gọi là uống cà phê kiểu Thổ (Café à la Turque). Sau này, người Thổ đã biết dùng đường, trừ bã lại.
Khi cà phê vào nước Pháp, cách uống được thay đổi. Cà phê sau khi rang chín và xay nhỏ được bỏ vào một dụng cụ để lọc lấy nước uống, chất bã còn lại bỏ đi. Có khi uống đường, có khi không đường, tùy theo ý thích từng người.
Gần đây xuất hiện cách uống cà phê thứ ba là cà phê hòa tan. Cà phê xay mịn đến mức bỏ trực tiếp vào nước sôi, không qua lọc. Người uống không phải chờ đợi, tiết kiệm được thời gian. Kiểu uống này đang được nhiều người ưa chuộng vì nó phù hợp với nhịp độ mới của đời sống.
Loại Arabica trồng nhiều ở châu Phi. Loại thứ hai là Robusta hạt to hơn, trồng nhiều ở châu Mỹ Latinh. Cà phê Arabica có vị đậm hơn và hương thơm hơn Robusta.
Mỗi cá nhân đều có thể có một thói quen dùng cà phê riêng. Nhưng trong bữa tiệc thì người dự cũng như chủ nhà đều dùng cà phê theo một số nguyên tắc chung nhất định.
Cà phê thường được dùng vào giai đoạn cuối của bữa tiệc. Trong bữa tiệc thân mật, ít người, chủ nhà có thể hỏi khách muốn dùng trà hay cà phê, sau đó thông báo cho người phục vụ đem trà và cà phê theo đúng yêu cầu của từng người. Nhưng tại các bữa tiệc trọng thể, do chủ nhà không thể hỏi tất cả khách khứa được nên người phục vụ sẽ đến tận nơi khách ngồi và nhẹ nhàng hỏi từng người khách muốn dùng trà hay cà phê để phục vụ từng người.
Khi dùng cà phê bao giờ cũng có một cốc cà phê con đặt trên một tách và một thìa nhỏ. Cà phê luôn luôn được giữ nóng. Khi phục vụ, chỉ rót cà phê đến 2/3 cốc. Thông thường, trên mặt bàn, ngoài âu nhỏ đựng đường nên có một bình sữa để khách có thể uống cà phê sữa nếu họ muốn. Nhưng trong bữa tiệc trang trọng, bình sữa nhỏ được đặt trên khay của người phục vụ.
Thông thường tại các bữa tiệc, người ta hay dùng cà phê lọc nhưng phải giữ được độ nóng. Tại bữa tiệc thân mật ít người, nếu khách muốn uống cà phê lọc ngay tại chỗ, người phục vụ để dụng cụ lọc trên cốc cà phê, trong đó có sẵn cà phê xay nhỏ. Người phục vụ lần lượt rót nước sôi vào mỗi cái lọc cà phê ngay tại chỗ và đậy nắp lại. Sau khi trong phin đã hết nước, khách lấy nắp phin cà phê để ngửa trên bàn và đặt phin lên đó, để tránh cà phê rớt ra bàn. Trường hợp khách thấy cà phê đặc, muốn uống loãng thì ra hiệu cho người phục vụ rót thêm nước sôi vào cốc. Nếu khách muốn dùng cà phê theo kiểu Thổ cần hỏi nhỏ người phục vụ. Cà phê hòa tan thường ít dùng trong các bữa tiệc trọng thể.
Không dùng thìa múc cà phê mà nâng cốc lên ngang miệng và nhẹ nhàng uống. Nếu uống cà phê theo kiểu Thổ thì tránh để bã cà phê dính vào miệng cốc hoặc miệng mình.
Tại bữa tiệc thân mật, nếu khách muốn, có thể rót chút rượu cognac vào cốc cà phê để uống cho thơm, nhưng tại bữa tiệc trọng thể nên tránh làm như vậy.