Hơn 80 năm cuộc đời, trải bao biến cố thăng trầm, Chung Ju Yung – nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai đã tự đúc rút cho mình rất nhiều bài học quý báu trong cuốn tự truyện “Không bao giờ là thất bại – Tất cả là thử thách”.
Chính vì thế, “Không bao giờ là thất bại – Tất cả là thử thách” cũng là một trong 5 cuốn sách Nền tảng đổi đời, được Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng tuyển chọn, viết thư ngỏ, và tổ chức trao tặng tận tay hàng triệu thanh niên Việt để khơi dậy chí lớn, tinh thần khởi nghiệp – kiến quốc.
Bài học thứ nhất: Suy nghĩ tích cực, không có thất bại
Trong số chúng ta, có lẽ bất kỳ ai cũng đều mong muốn sống hạnh phúc. Tuy nhiên, thế nào là hạnh phúc thì lại là câu hỏi không phải ai cũng dễ trả lời. Có đôi lúc, dù đã sở hữu bánh xe cuộc đời cân bằng với đủ 5 thành tố: Tình yêu, sức khỏe, mối quan hệ-vị thế xã hội, năng lực làm việc, tiền bạc, nhiều người vẫn cảm thấy mình không hạnh phúc và thường có cảm giác không thỏa mãn.
Đối với Chung Ju Yung, khi đã trải qua nhiều thăng trầm, đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, ông quan niệm hạnh phúc khá đơn giản. Theo đó, hạnh phúc là dù ở trong hoàn cảnh, vị trí nào, làm việc gì, chúng ta đều rốc toàn tâm toàn lực để hoàn thành công việc, không phụ lòng những người xung quanh cũng như luôn nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực, hướng tới tương lai tốt đẹp.
Trong quan niệm của Chung Ju Yung, suy nghĩ tích cực chính là nền tảng đầu tiên hình thành nên các nguồn năng lượng khác. Nó là khởi nguồn của sức mạnh tinh thần, từ đó có khả năng chuyển hóa thành sức mạnh thể chất, vật chất. Một người muốn mạnh mẽ, trước hết phải mạnh trong ý chí. Chúng ta chỉ có thể thành công nếu có lòng tin rằng mình sẽ làm được điều ấy.
“Vì vậy tôi thường nghĩ, con người quan trọng nhất là có ý chí hay không mà thôi. Có ý chí thì chẳng việc gì là không làm được. Nếu mang suy nghĩ tích cực thì dù trời sập xuống cũng có lỗ chui ra, và việc gì cũng có thể làm được“.
Để chứng minh cho chiêm nghiệm ấy, Chung Ju Yung nhớ lại kỉ niệm ngày nhỏ. Khi đó, dù mới 10 tuổi, ông đã phải theo cha ra đồng làm việc quần quật dưới trời nóng đổ lửa. Nếu là người tiêu cực thì có lẽ, họ sẽ chỉ nghĩ rằng mình làm việc vất vả dưới ánh nắng mặt trời mà không biết đến niềm hạnh phúc nào khác. Đối với họ, cuộc sống lúc nào cũng chỉ toàn khuyết điểm. Nhưng Chung Ju Yung không như vậy. Từ nhỏ, ông sớm học được cách sống hạnh phúc với hiện tại và hài lòng với những gì đang có. Thay vì than trách, tức giận, ông tranh thủ ngủ giấc ngắn dưới bóng râm, tận hưởng cơn gió mát mẻ như vào chốn cực lạc và cảm thấy mình thật hạnh phúc.
Sau này lớn hơn một chút, ông dần muốn bỏ nhà ra đi tìm đường làm giàu. Để có lộ phí, Chung Ju Yung phải tích cóp từng đồng lẻ. Mỗi khi gánh thùng gỗ ra chợ bán, nhiều lần ông đói lả khi đi qua những quán hàng san sát nhưng nhất định giữ vững lòng quyết tâm. Chung Ju Yung chỉ lấy 1 đồng duy nhất trong số tiền bán gỗ ấy để mua 2 cái kẹo tí tẹo bỏ vào miệng, mút từng tí trên đường trở về nhà mà cảm thấy sung sướng vô cùng.
“Năng lực giải quyết công việc phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi người. Cách suy nghĩ tiêu cực và bi quan là rào cản của sự phát triển và trưởng thành. Người có suy nghĩ tiêu cực không phát huy được hết năng lực của mình, họ luôn bất mãn, oán trách, chán nản và từ đó lãng phí thời gian, sức lực nên thất bại và gục ngã, kết quả tuyệt vọng là đương nhiên” – Chung Ju Yung viết trong cuốn tự truyện Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách.
Tinh thần lạc quan và lòng tin rằng chỉ cần nỗ lực, mọi việc đều có thể thành công sau này đã theo ông đi đến hết cuộc đời. Theo năm tháng, đức tính quý ấy ngày càng trở nên sâu sắc, mạnh mẽ hơn. Chính nó đã giúp Chung Ju Yung cùng Hyundai làm nên những điều không tưởng. Một trong số đó là sự ra đời của nhà máy đóng tàu Ulsan.
Hồi đó, để có 80 triệu USD, Chung Ju Yung đã phải tìm đến các ngân hàng lớn trên thế giới hỏi vay. Khi đặt chân đến Barclays ở Anh, ông bị từ chối bởi chẳng có chút kinh nghiệm nào về việc làm ra loại tàu cỡ lớn, ngay đến cả kỹ thuật cũng không có. Tuy nhiên, vì thấy Chung Ju Yung quá kiên quyết với ý tưởng của mình, ngân hàng cũng đã thông qua Đại sứ quán để nắm được một số thông tin cơ bản về các lĩnh vực ở Hàn Quốc.
Sau đó, ngân hàng dẫn lời của Hiệp hội tàu thuyền Hàn Quốc là: “Không thể làm được”. Lúc đó, Chung Ju Yung đã nói với họ: “Tất cả mọi việc nếu nghĩ là làm được thì đều có thể làm được. Nếu mà Hiệp hội tàu thuyền nước tôi hoặc công ty tàu thuyền khác cho rằng việc này có thể làm được thì họ đã đến đây vay tiền các ông trước tôi. Chính vì họ nghĩ việc này không thể nên khi ai đó hỏi, đương nhiên họ sẽ nói không làm được. Nhưng tôi nghĩ rằng nhất định sẽ làm được. Mong các ông hãy thẩm định lại hồ sơ một lần nữa“.
Cuối cùng thì ngân hàng Barclays cũng đồng ý tái thẩm định hợp đồng và cho Hyundai vay 50 triệu USD. Ngẫm lại sự ra đời của xưởng đóng tàu Ulsan, Chung Ju Yung cho rằng, khởi đầu của nó trước hết nhờ câu nói: “Có thể làm được”.
Theo Chung Ju Yung, đó không phải là lời nói cho vui cũng không phải ngụy biện. Tất cả mọi việc đều như vậy, nếu chúng ta cứ suy nghĩ rằng không thể thì sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì.
“Tất cả mọi sự phát triển của nhân loại đều được hình thành dưới sự chỉ đạo và dẫn đường của những con người có lối suy nghĩ tích cực”.
Bài học thứ hai: Thành bại của cuộc đời chính là hành động và thời gian
Từ nhỏ, Chung Ju Yung đã được thừa hưởng đức tính chăm chỉ, cần mẫn của cha mẹ. Thêm nữa, vì phải làm việc vất vả nên bẩm sinh ông rất ghét những người lười biếng. Chung Ju Yung hiểu rằng, con người hầu như ai cũng muốn lười nhác, thoải mái ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, nếu muốn vươn tới thành công, nhất định phải vượt qua rào cản ấy. Ngày hôm nay, những người xuất phát điểm khó khăn càng phải cố gắng gấp 5, gấp 10 lần người khác thì mới mong ngày mai có thể vượt được họ.
Có suy nghĩ tích cực là điều đáng quý nhưng chỉ nghĩ thôi thì chưa đủ. Đối với Chung Ju Yung, không gì lãng phí bằng chuyện để thời gian trôi đi mà không làm gì cả. “Với một doanh nghiệp thì điều đó hoàn toàn đúng, phải hành động mới có kết quả. Nếu chỉ tập hợp những người có đầu óc thông minh ngồi lại với nhau mà suy nghĩ thì doanh nghiệp không thể lớn mạnh được“.
Chung Ju Yung lấy ví dụ như khi bạn muốn gặp một ai đó, giữa việc là suy nghĩ rồi 1h sau mới gặp và đứng lên đi gặp luôn sẽ đem lại kết quả khác nhau. Tuy rằng chúng ta không thể thấy sự khác biệt lớn lao trong khoảng thời gian 1h mang lại nhưng rõ ràng, sự nhanh chậm, tính quyết đoán đã quyết định đến sự thành bại của công việc.
“Với tôi, khi giao một công việc cho nhân viên dù khó đến mấy cũng không cho thời gian dài. Vì nếu cho thời gian dài họ sẽ lùi lại ngày mai, ngày kia, khi có việc khác lại vội cuống lên và rồi lại than phiền nhiều công việc nhưng cuối cùng thì kết quả chẳng ra gì và mọi thứ cứ tiếp nối nhau mà đến”.
Khi đã là chủ doanh nghiệp lớn, Chung Ju Yung thường đốc thúc công nhân trên tất cả công trường, nhà máy, xí nghiệp. Ở xưởng chế tạo thiết bị công nghiệp nặng, ông thường xuyên có mặt đến nỗi nhân viên từng hồn siêu phách lạc vì nghĩ hôm qua “sếp” đến kiểm tra rồi thì nay sẽ không đến nữa.
Để làm gương về thái độ luôn sẵn sàng hành động, tiết kiệm thời gian, sau những chuyến công tác dài ngày ở châu Âu, châu Mỹ, dù có mệt mỏi hay không thì ngày hôm sau, Chung Ju Yung vẫn đi làm bình thường. Trong khi các công ty khác thường cho nhân viên đi công tác ra nước ngoài khoảng thời gian nhất định để thích nghi với việc lệch múi giờ thì ở Hyundai không như vậy. Cả Chung Ju Yung lẫn nhân viên khi đến nơi là đi thẳng vào bàn họp và chẳng hề quan tâm đến các yếu tố bên ngoài.
Trong cuốn tự truyện của mình, Chung Ju Yung phân tích, các doanh nghiệp Nhật Bản từ lâu đã tự đặt ra triết lý kinh doanh của mình và đó là lý do vì sao họ không bị gục ngã. Doanh nghiệp Hàn Quốc dù rất nỗ lực nhưng vẫn chưa thể vượt qua sự đi trước cả 100 năm của họ. Vì thế, nếu muốn vươn lên thì phải tăng thời gian làm việc, bồi dưỡng doanh nghiệp có năng lực, chí tiến thủ.
“Mỗi ngày chúng ta phải đổi mới, nếu hôm nay vẫn như hôm qua, ngày mai vẫn như ngày hôm nay là chúng ta đang lùi bước. Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai phải phát triển hơn ngày hôm nay. Đó mới là cuộc sống có ý nghĩa và như thế, xã hội loài người mới phát triển, hoàn thiện hơn.
Tôi tin rằng những người có chí tiến thủ, có kiến thức thì không việc nào lại không làm được“.
Bài học thứ ba: Cần cù, tiết kiệm làm nguồn vốn
Sinh trưởng trong gia đình nông dân nghèo khó nên từ nhỏ, Chung Ju Yung đã có tính tiết kiệm, cần cù. Theo ông, đó chính là nguồn vốn nội lực tạo nên uy tín mà uy tín cũng chính là danh dự.
Mỗi khi nhắc đến việc tiết kiệm, ông thường nhớ đến lần xem trên ti vi cảnh sinh hoạt của một thanh niên nông thôn với lời lẽ rất đáng học hỏi: “Trong số bạn của tôi cũng có người ra thành phố, mỗi tháng kiếm được cả trăm ngàn won. Tuy nhiên, số tiền đó phải dùng vào việc này việc kia nên cũng chỉ tiết kiệm được 10%. Còn thu nhập của tôi tuy không bằng một nửa bạn ấy nhưng mỗi tháng tôi tiết kiệm được một nửa số tiền tôi kiếm được. Chính vì thế, tôi làm việc nhiệt tình như bây giờ, tôi tin tưởng trong tương lai không xa, tôi sẽ giàu có hơn bạn ấy”.
Chung Ju Yung rất đồng tình với thanh niên đó. Theo ông, làm việc nhiệt tình và tiết kiệm triệt để sẽ giàu có hơn người lãng phí. Cùng một thời gian sống, có người thì làm được 10 lần, 20 lần, có người lại không làm được gì dù chỉ là một phần mấy mươi, một phần mấy trăm. Sự khác nhau chính là ở quá trình tích lũy và chịu đựng gian khó, làm việc chăm chỉ.
Soi chiếu lại bản thân mình, Chung Ju Yung khẳng định ông đã sống một đời rất giản dị, tiết kiệm. Thời còn đi làm thuê cho cửa hàng gạo, mỗi sáng, Chung Ju Yung đều thức dậy sớm để đi bộ đi làm, tiết kiệm tiền tàu điện 5 won mỗi ngày. Ông đi bộ nhiều đến nỗi đôi giày mòn vẹt. Vậy mà Chung Ju Yung cũng không nỡ vứt đi, ông tiếp tục đóng thêm một cái đế vào và tiếp tục sử dụng. Quần áo từ hè sang thu, ông chỉ có một bộ, khi đông đến thì mặc thêm áo lót bên trong. Muốn đọc báo, ông đọc nhờ của người khác. Nếu nhận lương 1 bao gạo 1 tháng, ông nhất định phải tiết kiệm 1 nửa, tất cả tiền thưởng, ông đều dành hết cho việc tiết kiệm.
Chung Ju Yung cố gắng thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm từng đồng lương ít ỏi để gây dựng vốn liếng. Sau này, khi đã là chủ doanh nghiệp lớn, ông vẫn giữ lối sống giản dị, tránh xa cám dỗ, không dùng rượu bia, thuốc lá, không mua sắm những vật dụng không cần thiết.
Với cách sống như thế nên mỗi lần gặp công nhân, ông thường khuyên họ hãy tiết kiệm, ít nhất cũng đợi cho đến lúc mua được nhà hãng nghĩ đến chuyện sống thoải mái hơn. Việc tiết kiệm có thể thực hiện bằng những cách đơn giản, thiết thực như: Không hút thuốc, uống rượu, cafe, bài bạc, không mua vật dụng xa xỉ vì ví như ở nhà thuê mà mua tivi là không cần bởi nếu chỉ xem tin tức thì đọc báo và nghe radio cũng đủ, không mua sắm nhiều quần áo…
Theo Chung Ju Yung, tiết kiệm chính là một tiêu chí tạo nên uy tín. Lối sống ngay thẳng, dựa vào sức mình sẽ dần dần tạo cho chúng ta mối liên hệ với xung quanh mà đôi khi, chính chúng ta cũng không ngờ tới. Sự uy tín có được do cần cù và trung thực sẽ giúp chúng ta gặp được người hỗ trợ chẳng khó khăn gì.
“Tôi không tin vào những người kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, dùng tiền trên cả mức kiếm được và luôn luôn mang nợ”.
Cùng với việc tiết kiệm, muốn xây dựng uy tín thì phải có thêm tính cần cù. Mỗi người phải luôn có ý thức về việc hành động mau lẹ, tiết kiệm thời gian, làm việc chăm chỉ thì mới mong có được tương lai tốt đẹp.
“Một ngày làm việc cần cù thì đêm mới có thể ngủ ngon giấc, một tháng cần cù thì sẽ thấy cuộc sống của mình đi lên, một năm, hai, ba năm, cả cuộc đời cần cù thì sẽ phát triển to lớn. Cuộc sống của người cần cù sẽ ý nghĩa hơn biết bao nhiêu, họ có thể làm việc gấp bao lần người khác.
Sự cần cù chính là tính trung thực của cuộc đời. Chúng ta không cần cù thì sẽ không có uy tín“.
Bài học thứ tư: Giữ chữ tin – Vấn đề sống còn trong sự nghiệp
Trong cuộc đời Chung Ju Yung, đã rất nhiều lần ông làm nên thành công mà người ngoài nhìn vào thì dễ nghĩ đó là do may mắn. Ví như việc được ông chủ giao lại cửa hàng gạo, đấu thầu thành công cảng Dubai hay vay được tiền dù xưởng sửa chữa ô tô bị thiêu rụi hoặc đem tờ 500 won đến ngân hàng Barclays, vay thành công 50 triệu USD để đóng tàu dù chằng có tí kinh nghiệm nào về lĩnh vực này… Tuy nhiên, chỉ những ai hiểu về Chung Ju Yung mới biết, tất cả thành quả đó, cho dù là điều tưởng như ngẫu nhiên nhất cũng đều là trái ngọt được thu hoạch sau trường kỳ nỗ lực.
Đối với Chung Ju Yung, trong công việc, không có gì gọi là kỳ tích. Mọi thứ đều phải trả giá bằng sự nỗ lực và suốt cuộc đời mình, khởi đầu cho mọi thành công của Chung Ju Yung đều bắt nguồn từ hai chữ UY TÍN.
Trước đây, khi rời quê tìm đường khưởi nghiệp, Chung Ju Yung chẳng có lấy một đồng xu. Nếu chỉ gom tiền để trở thành doanh nghiệp lớn như Hyundai ngày nay thì chắc chắn ông không thể làm được. Tài sản mà Chung Ju Yung có nhiều hơn người khác chính là uy tín. Nhờ thế, ông được chủ cửa hàng giao lại cơ ngơi, bắt đầu kinh doanh với nguồn vốn duy nhất là người đáng tin cậy, đáng tin về cả tiền bạc, số lượng, chất lượng sản phẩm, thời gian, hợp đồng. Cứ như thế, khi uy tín ngày càng lớn, kết hợp tất cả uy tín ở những lĩnh vực khác gom lại, Chung Ju Yung đã tạo ra “đế chế” Hyundai hùng cường.
Từ cách đây khoảng 20 năm, chỉ một ngành xây dựng của Hyundai thôi cũng có thể giao dịch được với 20 ngân hàng lớn trong thị trường tiền tệ quốc tế. Không cần giấy bảo lãnh của chính phủ, không cần thế chấp, chỉ cần một lời hứa sẽ chi trả của công ty xây dựng Hyundai cũng có thể mượn được 2-3 tỷ USD (một số tiền rất lớn vào thời điểm đó).
Uy tín cũng là thứ tài sản mà Chung Ju Yung một lòng gìn giữ. Còn nhớ khi xưa lúc xây dựng cầu Koriong, Hyundai đã thua lỗ đến mức gặp nguy cơ phá sản. Để cứu lấy danh dự, Chung Ju Yung đã họp bàn với các anh chị em trong gia đình, đồng lòng bán hết nhà cửa, tài sản giá trị để bổ sung vốn, tiếp tục hoàn thành dự án.
Công trình đó đã khiến Hyundai mất 20 năm mới trả hết nợ nhưng Chung Ju Yung chưa một lần hối tiếc vì đã dốc toàn lực hoàn thiện nó. Trái lại, dù khi khó khăn, ông vẫn giữ được thứ mà tiền bạc không thể mua nổi, là CHỮ TÍN. Chính phủ tin vào tâm huyết và khả năng của Hyundai, và điều này mở đường cho một loạt dự án tiếp theo của tập đoàn.
Bài học thứ năm: Không bao giờ bỏ cuộc – chiêm nghiệm từ con ếch xanh và con rệp
Bài học về tinh thần không bỏ cuộc được Chung Ju Yung rút ra sau khi quan sát cách hành xử của chú ếch xanh và lũ rệp. Đó là những trải nghiệm từ thời niên thiếu luôn khắc sâu đến nỗi ám ảnh trong tâm trí ông. Chuyện là, có một con ếch xanh muốn nhảy lên cành dương liễu, nhưng vì cành cây cao quá nên nó không chạm được. Không nản chí, ếch xanh cứ nhảy, 10 lần, 20 rồi 30 lần… Và cuối cùng, nó cũng thành công!
Khi tới Incheon xin làm việc ở bến cảng, Chung Ju Yung đã không may thuê trọ phải nơi rệp nhiều vô kể. Để thoát khỏi cảnh ngứa ngáy vì bị rệp cắn thâu đêm, ông đã kê bát nước vào 4 chân giường khiến lũ rệp không thể leo lên. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, lũ rệp đã tìm ra con đường mới là leo lên nóc nhà rồi thả mình rơi xuống đúng người để đốt.
Lũ rệp đã vượt qua trở ngại là bát nước, toàn tâm toàn ý cố gắng và đạt được mục tiêu mình muốn. Chú ếch xanh cũng đã nỗ lực phi thường để có thể ngồi trên cành cây cao mình hằng mơ ước. Ếch xanh hay lũ rệp còn làm được như vậy huống chi chúng ta là con người. Chung Ju Yung thường lấy đó làm nguồn động viên mỗi khi gặp khó khăn, thất bại. Đối mặt với thách thức, điều đầu tiên Chung Ju Yung thường củng cố chính là tinh thần không bao giờ bỏ cuộc.
Ví như để thuyết phục Trưởng phòng bảo an Condo của Đồn cảnh sát Dongdeamun cho phép xưởng sửa chữa ô tô của mình được hoạt động, suốt 1 tháng, ngày nào Chung Ju Yung cũng có mặt, vào đúng cùng một khoảng thời gian, kiên trì trình bày vấn đề đến khi nào đối phương chịu thỏa hiệp mới thôi.
Sau này, khi ra nước ngoài vay vốn để xây nhà máy đóng tàu quy mô lớn, ông bị từ chối khá nhiều lần nhưng Chung Ju Yung vẫn quyết tâm không từ bỏ. Ông tìm mọi cách để thuyết phục ngân hàng Barclay. Đầu tiên là thông qua người giới thiệu – Chủ tich Longbottom của Epuldoor, sau đó là thuyết phục Ban Giám đốc ngân hàng Barclays, Chủ tịch Tổ chức Bảo lãnh xuất khẩu Anh (ECGD)… Sau khi đã khiến tất cả những người có ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế nước Anh đồng ý, Chung Ju Yung vẫn phải tiếp tục chứng minh khả năng có thể bán được tàu. Ông tiếp tục chào hàng dù chẳng có con tàu nào trong tay và nhờ uy tín, đã được Libanos, người con trai tài giỏi của vua tàu biển Onasis, chủ công ty vận tải biển cực lớn của Hi Lạp đặt cọc trước 1,4 tỉ won, hẹn 5 năm sau nhận 2 chiếc tàu 260.000 tấn.
Việc vay số tiền khổng lồ (bằng 1/6 tổng nợ nước ngoài của cả nước) để xây nhà máy đóng tàu trong bối cảnh chẳng hề có chút kinh nghiệm nào là điều không tưởng đối với rất nhiều người nhưng Chu Ju Yung luôn tin là mình có thể làm được. Trong quá trình chinh phục những giấc mơ lớn nối tiếp nhau, mỗi khi gặp khó khăn, ông lại nhớ đến bài học của chú ếch xanh và lũ rệp. Ông coi mọi vấp ngã chỉ là thử thách và nếu có đủ lòng tin, sự quyết tâm, nỗ lực tương xứng, chúng ta có thể thành công khi làm bất cứ việc gì.
Bài học thứ sáu: Lột bỏ rào cản của lối suy nghĩ cũ
Chung Ju Yung cho rằng, tất cả chúng ta ai cũng ít nhiều mang trong mình lối suy nghĩ cũ, bị trói buộc vào một số quan niệm cố định. Lối suy nghĩ cũ này rất nguy hiểm bởi trong điều kiện bình thường, chúng ta vẫn là những người có năng lực nhưng lúc gặp nghịch cảnh, lập tức biến thành kẻ bất tài.
Trong sách Luận ngữ có câu: “Quân tử bất khí” có nghĩa là đã là quân tử, phải biết nhiều thứ., có năng lực làm nhiều việc dù ở bất kể vị trí nào.
Con người thường lệ thuộc vào các nguyên tắc và nguyên lý nhưng muốn thành công trong xã hội hiện tại, chúng ta phải gạt bỏ được những điều cứng nhắc ấy để dễ thích nghi với hoàn cảnh.
“Nếu trở thành nô lệ của lối suy nghĩ cũ thì sẽ không có tính thích ứng. Suy nghĩ theo sách giáo khoa cũng là một cạm bẫy. Con người tài giỏi phải vượt qua cạm bẫy một cách trí tuệ”, Chung Ju Yung viết trong tự truyện không bao giờ thất bại tất cả là thử thách.
Ông kể lại một câu chuyện khá thú vị khi xây dựng nhà máy đóng tàu Ulsan. Lúc đó, các chuyên viên kỹ thuật cho rằng muốn vận chuyển linh kiện lắp ráp xuống đáy sâu 12m phải nhờ đến một chiếc cần cầu khổng lồ mới thực hiện được, ngay lập tức, Chung Ju Yung cho rằng đó chỉ là lý thuyết có trong SGK. Ông đã đưa ra giải pháp dùng tảng bê tông đúc sẵn lên bánh xe trượt rồi dùng độ nghiêng của dốc kéo ngược lại, cho xe chạy từ từ để đưa vật liệu xuống đáy biển. Cứ như thế, toàn bộ khối bê tông đã được chuyển xuống đáy của bến đỗ mà chẳng cần có một chiếc cần cầu khổng lồ nào xuất hiện.
Tương tự, khi xây dựng xưởng lắp ráp ở nhà máy đóng tàu, vì tốc độ gió quá cao nên công nhân cho rằng phải xây những cây cột thật lớn, kiên cố thì mới có thể chịu được. Chung Ju Yung cho rằng đó là giải pháp không hợp lý, gây tốn kém và ông cho rằng, chỉ cần đóng cọc thay thế là đủ.
Tất nhiên, Chung Ju Yung rất hiểu giải pháp mà cấp dưới đưa ra. Tuy nhiên, trong những tình huống cấp thiết, cần phải tư duy sao cho phù hợp với hoàn cảnh thì cách suy nghĩ lối mòn không đem lại kết quả.
Khi đặt hàng 2 chiếc tàu cơ lớn 260.000 tấn, có lẽ chính Libanos cũng không nghĩ Chung Ju Yung có thể hoàn thành sớm nên đã gia hạn 5 năm. Tuy nhiên, Chung Ju Yung đã phá vỡ quy luật thông thường, vừa xây nhà máy, vừa đóng tàu và chỉ sau hơn 30 tháng từ ngày vay vốn, 2 chiếc tàu đầu tiên đã hoàn thành.
“Nếu tất cả mọi việc đều được xử lý theo lối suy nghĩ dễ dàng thì khi gặp khó khăn sẽ trở nên lười nhác, điều này là không được. Lối suy nghĩ thích làm việc dễ dàng cũng chẳng khác gì lối suy nghĩ cũ”.
Bài học thứ bảy: Quan niệm đúng đắn về thành công và giá trị của đồng tiền
Trong vấn đề xài tiền, Chung Ju Yung có nguyên tắc là dù tiền ít hay nhiều cũng không nên để lộ ra ngoài. Lấy việc cho tiền boa tại nhà hàng làm ví dụ. Nếu người ta cho tiền mà không để người khác biết thì mới là phải phép còn những việc dán tiền vào trước ngực các cô gái phục vụ chẳng khác nào hành vi khinh thường một con người.
“Tôi nghĩ việc dùng tiền để chứng tỏ mình, tự hào về tiền là sai lầm của con người”.
Trong cuốn tự truyện của mình, Chung Ju Yung nói rằng, mỗi lần thấy báo chí xếp hạng ông là người có thu nhập cá nhân đứng đầu cả nước, ông lại thấy có lỗi với người nghèo. “Người ta hay hỏi tôi dùng số tiền lớn đó để làm gì nhưng thực tế, cuộc sống của tôi không cao hơn tầng lớp trung lưu”.
Khái niệm trung lưu của ông có nghĩa là mức sống của Chung Ju Yung chỉ như một nhân viên. Tổng diện tích nhà ở của ông chỉ 900m2 với 300m2 xây nhà ở – một quỹ đất không phải quá lớn cho cả gia đình. Ông thường đi xe hãng Stera, Sonata, Granger chứ không phải là những siêu xe quá đắt đỏ nhưng vẫn còn cảm thấy xấu hổ với nhân viên, với người dân thu nhập thấp.
Trong sinh hoạt hàng ngày, ông chỉ thích ăn rau xanh, trái cây, thi thoảng ăn thịt bò, dùng trà sâm. Ngoài ra trong khẩu phần ăn uống cũng chẳng có gì đặc biệt hơn mọi người.
“Tôi nghĩ con người ta sống không phải để ăn mặc cho sang trọng mà quan trọng là họ có ảnh hưởng đến người khác như thế nào”.
Dù sở hữu tài sản lớn nhưng sự thật là Chung Ju Yung đã sống mà chẳng hề có cảm giác mình là người giàu có. 30% lợi nhuận sẽ chảy về ngân sách làm giàu cho đất nước. Doanh nghiệp của ông thực chất chỉ giữ lại một khoản để tái đầu tư và tạo thêm việc làm. Trong suy nghĩ của Chung Ju Yung, khi doanh nghiệp nhỏ, nó có thể là tài sản của cá nhân nhưng lúc lớn mạnh, đó là tài sản chung của người lao động và của cả dân tộc. Người chủ doanh nghiệp, suy cho cùng cũng chỉ là kẻ được mọi người tín nhiệm, thuê để quản lý, điều hành công ty.
“Tôi hoàn toàn không quan tâm đến việc công ty có bao nhiêu tiền. Tôi nghĩ rằng đồng tiền trong túi tôi và tiền để tôi nuôi sống gia đình mới chính là tiền của tôi. Ngoài mục đích đo ra, tiền còn lại không phải sở hữu của tôi… Tôi làm việc không mệt mỏi vì yêu thích công việc chứ không phải vì muốn mở rộng tài sản, trở thành người giàu có nhất đất nước Hàn Quốc này”.
Từ chỗ quan niệm đúng về giá trị đồng tiền và vấn đề tiêu xài, Chung Ju Yung có cách nhìn nhận, đối nhân xử thế rất hài hòa. Thời điểm khi ông viết tự truyện, Hyundai có khoảng160.000 nhân viên. Nhiều người thường nói Chung Ju Yung đã giúp nuôi sống họ nhưng ông không bao giờ đồng ý với quan niệm ấy. Theo ông, chính những người nhân viên đã làm cho Hyundai, cho bản thân ông trở nên mạnh hơn. Họ là những người cộng sự, cùng ông làm việc để tạo nên giá trị, dựa vào nhau mà sống chứ chẳng có chuyện ai nuôi ai, ai là chủ nhân của ai.
“Nơi làm việc là nơi ta giúp đỡ nhau do sự cần thiết, nơi mà mọi người đều ảnh hưởng lên nhau. Sự lên mặt ta đây chính là cách suy nghĩ của các cá nhân tự đề cao mình”.
Đối với Chung Ju Yung, chỉ vì yêu cầu công việc nên mới có thứ tự trên dưới, còn về nhân cách hay tất cả mọi mặt khác, ai cũng đều bình đẳng như ai. Con người nếu muốn thành công thì phải bỏ qua được cái tôi ngạo mạn, có lòng biết ơn với tất cả những người đồng hành, giúp đỡ mình.
Từ chỗ quan niệm đúng về thành công, về giá trị con người và đồng tiền, ông cho rằng, một xã hội muốn phát triển thì phải lấy yếu tố trong sạch làm trọng. Muốn vậy, chúng ta phải định nghĩa lại khái niệm về sự giàu có. Theo ông, nói giàu có mà chỉ đề cập tới vật chất thì quả là sai lầm. Mục tiêu của tất cả mọi người là sống và nỗ lực đạt được điều mình muốn chứ không phải hoàn toàn vì vật chất. “Tôi nghĩ, người nào thành công trong việc mình muốn làm mới chính là người giàu có chứ không phải là thành công về vật chất.
Lối suy nghĩ xem ai là thứ dân hoặc người nghèo chỉ vì họ không có tài sản tiền bạc dù có trình độ tri thức, uy tín xã hội cao là một lối suy nghĩ nguy hiểm. Xã hội nào đặt tiền bạc lên vị trí cao nhất thì thật là nguy hiểm, không thể chờ đợi sự phát triển lành mạnh, hạnh phúc được“, Chung Ju Yung khẳng định.
* Nội dung các bài viết được rút từ tự truyện “Không bao giờ là thất bại, Tất cả là thử thách”của người sáng tập Tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung và nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là một trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.